Doanh nghiệp

Con gái bầu Đức đăng ký mua một triệu cổ phiếu HAG

Bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Bầu Đức, vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAG trong bối cảnh mã này có hai phiên điều chỉnh mạnh.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà Nước và HoSE, trưa 20/12.

Theo đó, bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đăng ký mua một triệu cổ phiếu HAG thông qua khớp lệnh trên sàn.

Trước đó, bà Đặng Hoàng Anh đang sở hữu 10 triệu cổ phiếu HAG, chiếm tỷ lệ 1,08%. Sau giao dịch, dự kiến tỷ lệ sở hữu của bà là 11 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,19%. Thời gian thực hiện giao dịch mua cổ phiếu trên từ 25/12-23/1/2024.

Kết phiên giao dịch ngày 19/12, HAG có giá 12.400 đồng một cổ phiếu, tạm tính theo giá này, con gái bầu Đức cần chi ra khoảng 12,4 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu này.

2 tháng qua, HAG luôn công bố các thông tin có lợi như bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, kế hoạch bán bệnh viện, trả nợ trái phiếu và ngân hàng, đã giúp cổ phiếu này có đà tăng ấn tượng tới 80% sau khi đạt đỉnh ngắn hạn 13.850 đồng một cổ phiếu ngày 14/12.

Chia sẻ với các nhà đầu tư trong buổi gặp gỡ mới đây, bầu Đức ước tính lợi nhuận năm 2023 dự kiến là 2.150 tỷ đồng nhờ các khoản thu nhập đột biến. Ông cho rằng 2025 sẽ trả hết nợ vay và là công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ.

Thi Hà

Công ty chuyên cho thuê máy bay lãi hơn tỷ đồng mỗi ngày

Công ty cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm ngoái 512 tỷ đồng, tương đương lãi 1,4 tỷ đồng mỗi ngày, mức cao nhất 4 năm qua.

Thông tin trên được Vietnam Airlines (đơn vị nắm giữ 32,48% vốn của VALC) nêu trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố. Theo đó, Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ghi nhận doanh thu 72 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 21,8 triệu USD, tương đương 512 tỷ đồng.

Trước khi đại dịch xảy ra, doanh thu và lợi nhuận của VALC tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Năm 2017, công ty lãi kỷ lục 604 tỷ đồng, sau đó giảm dần do ảnh hưởng của Covid -19.

VALC thành lập năm 2007. Hiện công ty có vốn điều lệ 1.520 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines nắm giữ 32,48%, BIDV và PVComBank nắm gần 31%. Đây đang là công ty duy nhất cho thuê máy bay tại Việt Nam. Bên cạnh việc cho thuê, công ty này còn bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho máy bay.

Thi Hà

Ông Nguyễn Đức Tài chỉ mua 11% lượng cổ phiếu MWG đăng ký

Sau một tháng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết chỉ hoàn thành 110.000 do diễn biến thị trường không phù hợp.

Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – cho biết đã mua 110.000 cổ phiếu MWG từ ngày 8/11-7/12. Trong khoảng thời gian này, thị giá MWG đạt mức trung bình 39.841 đồng một cổ phiếu. Ước tính ông Tài chi bình quân khoảng 4,4 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông nhích lên 2,408%.

Như vậy, Chủ tịch MWG chỉ hoàn thành được 11% so với kế hoạch đã công bố. Nguyên nhân được ông đưa ra là “do diễn biến thị trường không phù hợp”.

Hồi đầu tháng 11, ông đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu. Động thái trên được đưa ra sau giai đoạn kết quả kinh doanh của “đế chế” bán lẻ này không khả quan, thị giá cổ phiếu lao dốc. Thời điểm đó, MWG cũng liên tục bị khối ngoại xả hàng và luôn bị “hở” room ngoại, nổi bật có nhóm cổ đông thuộc Dragon Capital bán ròng hơn 4,1 triệu cổ phiếu.

Không hoàn thành kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục đăng ký mua thêm 500.000 cổ phiếu MWG để tăng tỷ lệ sở hữu. Thời gian thực hiện từ ngày 12/12 đến ngày 10/1 năm sau.

Trong cuộc gặp nhà đầu tư tháng trước, Chủ tịch MWG từng khẳng định “tiền đã có trong tài khoản” nhưng do bận rộn công việc nên chưa thể thực hiện mua cổ phiếu. Thời điểm trên, thị giá MWG cũng bắt đầu tăng khiến ông phân vân có nên mua hay chờ đợi thêm.

Bên cạnh đó, ông Tài cũng chia sẻ về kế hoạch trích 20.000 tỷ đồng gửi ngân hàng để mua lại cổ phiếu quỹ. Ông cho biết bản thân đã nghĩ đến phương án này, nhưng chưa có thời gian làm việc với giám đốc tài chính để bàn về tính khả thi. Ông bỏ ngỏ thời điểm thực hiện, mà chỉ nêu quan điểm rằng nếu để hết quý I/2024 sẽ muộn.

“Lấy 20.000 tỷ gửi ngân hàng chả đáng so với việc mua lại cổ phiếu quỹ để tăng lợi ích cho cổ đông”, ông nhấn mạnh.

Đến nay, tình trạng “quay lưng” của khối ngoại vẫn tiếp diễn. Tính đến hết tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 76 triệu cổ phiếu MWG qua kênh khớp lệnh, trong 6 tháng liên tiếp. Song song đó, giá cổ phiếu của công ty cũng lao dốc. So với đầu tháng 9, thị giá mã này hiện thấp hơn khoảng 30%.

Nói về động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại, ông Tài cho rằng có thể do những nỗi lo về kế hoạch hòa vốn của Bách Hóa Xanh hay sự phục hồi của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh và lợi nhuận trong năm nay giảm sút. Trong quá khứ, MWG cũng từng ghi nhận tình trạng tương tự. Nhưng theo ông, đó là thời điểm thách thức lòng tin của nhà đầu tư.

Tất Đạt

Cổ phiếu công ty của Shark Thủy bị hủy niêm yết

Mã IBC do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ tịch, bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings. Nguyên nhân là IBC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào các diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC. Ảnh: Tất Đạt

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup – hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia…. Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hồi tháng 7, ông Thủy giải thích rằng thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tổ chức.

Từ khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/9, IBC có thị giá 1.770 đồng một đơn vị. Mức này được thiết lập sau 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Mã chứng khoán Apax Holdings rớt giá mạnh so với mức 12.550 đồng hồi cuối tháng 11. Thời gian trước, cổ phiếu này cũng liên tục bị bán tháo, các công ty chứng khoán cũng thường xuyên bị bán giải chấp.

Trong buổi gặp cổ đông cuối tuần rồi, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết chiến lược sắp tới của Apax Leaders là khôi phục lại hoạt động kinh doanh ở thị trường TP HCM. Sau thời gian tái cấu trúc hậu khủng hoảng, chuỗi này đang có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc. Công ty ghi nhận hơn 11.000 học sinh, nhưng có đến 10.000 người thuộc dạng đã đóng tiền trước đó, nên doanh thu ghi nhận mới chưa cao.

Tất Đạt

Cổ phiếu công ty của Shark Thủy bị hủy niêm yết

Mã IBC do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ tịch, bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings. Nguyên nhân là IBC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào các diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.




Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC. Ảnh: Tất Đạt

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup – hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia…. Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hồi tháng 7, ông Thủy giải thích rằng thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tổ chức.

Từ khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/9, IBC có thị giá 1.770 đồng một đơn vị. Mức này được thiết lập sau 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Mã chứng khoán Apax Holdings rớt giá mạnh so với mức 12.550 đồng hồi cuối tháng 11. Thời gian trước, cổ phiếu này cũng liên tục bị bán tháo, các công ty chứng khoán cũng thường xuyên bị bán giải chấp.

Trong buổi gặp cổ đông cuối tuần rồi, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết chiến lược sắp tới của Apax Leaders là khôi phục lại hoạt động kinh doanh ở thị trường TP HCM. Sau thời gian tái cấu trúc hậu khủng hoảng, chuỗi này đang có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc. Công ty ghi nhận hơn 11.000 học sinh, nhưng có đến 10.000 người thuộc dạng đã đóng tiền trước đó, nên doanh thu ghi nhận mới chưa cao.

Tất Đạt

Nova Consumer sắp lên sàn UPCoM

Gần 120 triệu cổ phiếu của công ty chuyên mảng nông nghiệp, hàng tiêu dùng và bán lẻ thuộc Nova Group đã được chấp thuận giao dịch với mã NCG.

Theo quyết định mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer được đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tổng số lượng chứng khoán khoảng 119,8 triệu cổ phiếu NCG, tương đương gần 1.198 tỷ đồng.

Đại diện công ty cho biết hiện tại quá trình niêm yết chỉ ở mức cấp phép, nên chưa có thông tin về ngày chính thức lên sàn và giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên.

Trên thị trường hiện nay, nhà đầu tư giao dịch nhiều nhất trên sàn HoSE và HNX. Trong đó, HoSE có quy mô vốn hóa và khối lượng giao dịch lớn nhất, đi kèm quy định niêm yết nghiêm ngặt, gồm việc doanh nghiệp phải có lãi hai năm liền trước. Còn UPCoM thường tập hợp cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa đăng ký hoặc chưa có đủ điều kiện để niêm yết trên HoSE hoặc HNX.

Nova Consumer là thành viên của Nova Group, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi mở rộng dần sang hàng tiêu cùng, bán lẻ. NCG lần đầu chào bán ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2022 với giá 44.000 đồng một cổ phần. Theo ban lãnh đạo công ty, đây là mức giá hấp dẫn và có tiềm năng tăng trưởng tốt bởi chỉ số P/E khoảng 15-16 lần, thấp hơn mức bình quân gần 19 lần của các doanh nghiệp cùng ngành. Nova Consumer khi đó kỳ vọng cổ phiếu có thể niêm yết trên sàn HoSE vào cuối tháng 4 hoặc muộn nhất là tháng 5/2023.

Tuy nhiên đến cuối năm ngoái, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết NCG vì chưa đáp ứng yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung tài liệu. Giải thích trong phiên họp thường niên, lãnh đạo công ty nói 2022 là năm thị trường chứng khoán không thuận lợi, HoSE sắp xếp lại tổ chức nên quá trình thẩm định hồ sơ bị chậm trễ.

Thay vào đó, Nova Consumer chọn đưa cổ phiếu lên UPCoM. Lý do được đưa ra là để tạo sự linh động trong thực việc giao dịch cổ phiếu và đảm bảo tối đa quyền lợi của cổ đông.

Về tình hình kinh doanh, công ty lần đầu báo lỗ vào quý I và tiếp diễn trong quý II. Tính chung nửa đầu năm, NCG ghi nhận doanh thu 2.140 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính đội lên gấp đôi khiến lợi nhuận sau thuế âm 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 185 tỷ đồng.

Năm nay, Nova Consumer đặt mục tiêu đạt 5.629 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%. Tuy nhiên, lợi nhuận đề ra giảm gần 94%, về gần 17 tỷ đồng.

Tất Đạt

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được bán cho doanh nghiệp chăn nuôi

Hoàn Sinh Gia Lai có trụ sở ở TP HCM, chuyên về chăn nuôi trâu bò, lợn đã mua khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố thương vụ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cho một đối tác, ghi nhận doanh thu từ thanh lý tài sản 180 tỷ đồng, trong tháng 9.

Theo đó, bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Công ty này thành lập ngày 20/6, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu bò, lợn… Công ty còn hoạt động trong mảng câu lạc bộ thể thao (trừ hoạt động của các sàn nhảy).

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Hoàn Sinh Gia Lai có trụ sở chính tại đường 3/2, quận 10, TP HCM.

Doanh nghiệp do 2 cổ đông sáng lập là ông Đỗ Xuân Đức (địa chỉ Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Huyền (địa chỉ Bình Định). Trong đó, ông Đức sở hữu 49% vốn còn bà Huyền nắm 51% vốn. Ông Đức cũng giữ chức danh giám đốc công ty.

Xác nhận với VnExpress, ông Đỗ Xuân Đức – Giám đốc Hoàn Sinh Gia Lai – cho biết nhận chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai từ tháng 9. Đây là giao dịch riêng giữa hai bên nên cả hai không thể công bố thông tin chi tiết.




Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại TP Pleiku. Ảnh: HAGL

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại TP Pleiku. Ảnh: HAGL

Ngoài Hoàn Sinh Gia Lai, ông Đức còn là thành viên Hội đồng quản trị của một công ty chuyên về xử lý nước thải, cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch ở Quảng Nam.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ tháng 12/2005, gồm 117 phòng ngủ, nằm ở vị trí đắc địa là số 1 Phù Đổng, TP Pleiku. Mục đích bán khách sạn này, theo bầu Đức để doanh nghiệp thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Toàn bộ tiền bán bất động sản trên sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trái phiếu này tại BIDV.

Tháng 9, công ty của bầu Đức đạt doanh thu thuần 679 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm 196 tỷ đồng; cây ăn trái là 375 tỷ đồng, ngành phụ trợ đạt 108 tỷ đồng. Lãi sau thuế 9 tháng của công ty này khoảng 710 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022.

Thi Hà

‘Vua Nha Đam’ giảm lãi nửa đầu năm

Nguồn cung lá nha đam giảm mạnh khiến nửa đầu năm, G.C Food chỉ lãi trước thuế 17 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo quý II của Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho thấy nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm 36%, đạt 17 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2022, ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết năm nay, vùng trồng nha đam bị ảnh hưởng nặng bởi đợt mưa và ngập cuối năm ngoái. Do đó diện tích vùng trồng giảm từ gần 300 ha xuống khoảng 100 ha. Trong đó, 80 ha nha đam bị thiệt hại nặng do mưa bão nên công ty bị hụt nguồn cung 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, công ty cũng chủ động tăng giá mua lá nha đam từ 2.500 đồng một kg lên 4.600 đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm hỗ trợ nông dân tái canh tác.

Hiện, việc phục hồi vùng trồng nha đam mất nhiều thời gian (từ 8-12 tháng) và gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng cực đoan khiến cây con chậm lớn, xuất hiện nhiều bệnh như thối nhũn, teo đầu lá làm hư hại 20-40% cây trồng trên mỗi vườn.

“Chúng tôi đang phải trợ giá để bà con phục hồi sản xuất. Công ty cũng đầu tư nâng công suất phòng cấy mô, đến năm 2024 có thể cung cấp 3 triệu cây giống cho nông dân”, ông Thứ nói.

Theo ông này, hoạt động kinh doanh thạch dừa đạt kết quả tốt giúp công ty có lợi nhuận cao. Năm nay, công ty này mở rộng thêm nhiều thị trường quốc tế mới – trong đó có khu vực Trung Đông. Hàng được bán với giá cao nên thạch dừa mang về gần 100 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.




Thạch dừa đang là sản phẩm cứu cánh cho doanh nghiệp trước bối cảnh nguyên liệu nha đam bị ảnh hưởng. Ảnh: Thi Hà

Thạch dừa đang là sản phẩm “cứu cánh” cho doanh nghiệp trước bối cảnh nguyên liệu nha đam bị ảnh hưởng. Ảnh: Thi Hà

Nửa cuối năm, ông Thứ cho biết sẽ tập trung khôi phục vùng trồng nha đam để hướng tới vùng nguyên liệu xanh, bền vững và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thạch dừa nội địa và quốc tế.

G.C Food đang chiếm hơn 8% thị phần tại Hàn Quốc và trên 9% ở Nhật Bản. Ba năm tới, công ty đặt mục tiêu chiếm khoảng 15-20% thị trường nha đam tại hai thị trường này.

G.C Food mới gia nhập ngành nha đam hơn 10 năm, họ là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt với sản lượng 12.000-15.000 tấn một năm, có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới. Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm.

Thi Hà

Công ty của bầu Đức thoát lỗ quý II nhờ lợi nhuận khác

Quý II, Hoàng Anh Gia Lai lỗ 163 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh nhưng được bù đắp lợi nhuận khác 247 tỷ đồng nên có lãi trước thuế 84 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo khoảng 444 tỷ, tăng 71% so với cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu mảng trái cây giảm còn 561 tỷ đồng.

Doanh thu chung quý II tăng nhưng sau khi trừ các chi phí, công ty này lỗ thuần 163 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng (khoản này đến từ việc mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven) nên công ty lãi trước thuế 84 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, công ty của bầu Đức ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 638 tỷ, lần lượt tăng 54% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận chăn nuôi heo khoảng 97 tỷ đồng, cây ăn trái là 485 tỷ đồng và 56 tỷ từ ngành phụ trợ.

Trừ chi phí, công ty này lãi sau thuế nửa đầu năm khoảng 405 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.130 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai thực hiện được 36%.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của HAG là 21.342 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Tổng nợ công ty 15.954 tỷ đồng, tổng nợ vay ngân hàng chiếm 8.085 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 5.388 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế 2.947 tỷ đồng.

Thi Hà

Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng

Năm nay, Vincom Retail đặt kế hoạch doanh thu 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận 4.680 tỷ đồng – đều là những mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại phiên họp thường niên sáng 26/4 của Công ty cổ phần Vincom Retail, các cổ đông đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề kế hoạch phát triển kinh doanh năm nay của công ty và chia cổ tức.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail cho biết 2023 là năm bản lề để phát triển khách thuê trung tâm thương mại sau giai đoạn dịch bệnh một cách bài bản, rõ ràng. Hiện tại, Vincom Retail sở hữu 83 trung tâm thương mại và có kế hoạch mở mới hai địa điểm. Từ nay đến cuối năm, công ty cần cho thuê hơn 100.000 m2 để đạt tỷ lệ lấp đầy mục tiêu.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Năm nay, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng 41% và 69% so với năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay với doanh nghiệp phụ trách mảng bất động sản bán lẻ thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup.

Trước đó, Vincom Retail đạt đỉnh doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng và lãi ròng trên 2.850 tỷ đồng năm 2019. Trong kịch bản các động lực phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, công ty dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt đạt 11.500 tỷ đồng và 5.200 tỷ đồng.

Trước lo ngại của cổ đông về tình hình khó khăn trên thị trường bán lẻ, trống mặt bằng ở các trung tâm thương mại, bà Mai Hoa cho biết Vincom Retail cũng như các chủ đầu tư, nhà bán lẻ khác đang theo dõi rất sát diễn biến. Bà nhìn nhận thời gian qua, thị trường có độ giảm sút, nhưng quý I thường là quãng thấp điểm của bán lẻ, sẽ phục hồi từ tháng 3,4, đạt cao điểm vào mùa hè và thu đông.

“Chúng tôi đã trao đổi với nhiều nhà bán lẻ và họ đều đánh giá mức độ ảnh hưởng chỉ trong ngắn hạn”, CEO Vincom Retail chia sẻ. Bà nói thêm trong quý I, tỷ lệ khách thuê mới chốt hợp đồng với Vincom khá ấn tượng. Nhiều nhãn hàng bán lẻ có tiếng cũng đang muốn thâm nhập vào các trung tâm thương mại ngoài khu vực Hà Nội, TP HCM của Vincom.

Giai đoạn 2020 – 2021, công ty này đã tập trung nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí như năng lượng, nhân sự và các chi phí vận hành khác. Trong đó, chi phí năng lượng tiết kiệm được 50 tỷ đồng nhờ lắp pin năng lượng mặt trời tại các trung tâm thương mại; nhân sự khoảng 75-80 tỷ đồng nhờ tiết giảm 30% định biên. Trên cơ sở này, bà Phạm Thị Ngọc Hà, CFO Vincom Retail đánh giá cơ cấu chi phí của công ty đã rất tối ưu.

Lãnh đạo công ty cũng thông tin đã chuẩn hoá được các mô hình phát triển trung tâm thương mại. Theo bà Hoa, thời gian tới, Vincom Retail sẽ nghiên cứu phát triển thêm mô hình khu du lịch bán lẻ.

Giải thích về việc không chia cổ tức năm nay, CFO Vincom Retail cho biết công ty muốn giữ toàn bộ lợi nhuận sau thuế để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, Vincom Retail sẽ dùng khoản tiền này để trả nợ gốc trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng đã đến kỳ hạn thanh toán. Đồng thời, trong 3 năm tới, doanh nghiệp cũng cần tới 12.000 tỷ đồng để phát triển các lưới dự án với khoảng 800.000 m2 mặt sàn.

Quý đầu năm nay, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.943 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại chiếm chủ yếu với doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 54%. Với kết quả này, công ty lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,7 lần cùng kỳ và tăng 23% so với quý cuối năm 2022.

Anh Tú