Chứng khoán

Tập đoàn FLC bị bán giải chấp cổ phiếu

Công ty Chứng khoán BOS hôm nay thông báo bán giải chấp 8 triệu cổ phiếu HAI thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.

Công ty Chứng khoán BOS cho biết, lượng cổ phiếu dự kiến bán giải chấp là con số ước tính tại thời điểm công bố thông tin. Thực tế có thể ít hoặc nhiều hơn do giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo, hoặc do chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo để đủ tỉ lệ giao dịch ký quỹ.

Thông thường, công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu khi nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) sử dụng đòn bẩy tài chính và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Việc bán giải chấp này nhằm thu hồi lại tiền mà công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư vay.

Tập đoàn FLC đang sở hữu 23,11 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,65% vốn Công ty cổ phần Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI) trước giao dịch bán giải chấp.

Động thái bán giải chấp được Chứng khoán BOS thực hiện khi cổ phiếu HAI lao nhanh từ vùng 6.800 đồng còn 4.750 đồng, tức mất 30% từ khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt đến nay.

Trong phiên bán giải chấp hôm nay, HAI giảm hết biên độ còn 4.550 đồng một cổ phiếu và khớp lệnh hơn 6,16 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán BOS và HAI đều là những công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC trước đây từng là Chủ tịch Chứng khoán BOS. Bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC hiện là Thành viên Hội đồng quản trị HAI.

Phương Đông

DNSE hoàn tất tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng

Việc chào bán thành công 200 triệu cổ phần của DNSE đồng nghĩa doanh nghiệp hoàn thành việc huy động vốn lên gấp 3 lần.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã chấp thuận kết quả chào bán cổ phần nhằm tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE (tiền thân là Chứng khoán Đại Nam), hôm 14/4.

Cổ đông chính tham gia mua là Công ty Công nghệ tài chính Encapital, công ty mẹ đang nắm giữ 65% vốn của DNSE. Nhằm đáp ứng năng lực góp vốn này, Encapital cũng đã thực hiện huy động thêm 1.300 tỷ đồng, từ 623 tỷ lên tới hơn 1.923 tỷ đồng.

Nguồn vốn bổ sung sẽ được DNSE sử dụng để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch ký quỹ, hoạt động tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động IB, hoạt động chứng khoán phái sinh và đầu tư hạ tầng kỹ thuật – công nghệ. Đây cũng cũng được xác định là nền tảng phát triển then chốt của doanh nghiệp.

Trong quý II, DNSE cũng sẽ hoàn thiện và ra mắt các sản phẩm tài chính mới như gói vay ngắn hạn với chi phí ưu đãi, gói tiết kiệm cá nhân linh hoạt. Công ty cũng tích cực ứng dụng thêm nhiều tính năng công nghệ trên nền tảng giao dịch chứng khoán cơ sở Entrade X như hệ thống quản trị rủi ro theo mã cổ phiếu, tư vấn đầu tư thông minh AI Broker…

Văn phòng DNSE. Ảnh: DNSE

Văn phòng DNSE. Ảnh: DNSE

“DNSE đặt mục tiêu trở thành công ty chứng khoán Việt Nam tiên phong trên thị trường chứng khoán số, tận dụng ưu thế về công nghệ và trí tuệ nhân tạo để tối ưu trải nghiệm giao dịch cho người dùng”, đại diện công ty cho biết.

Đây là đợt tăng vốn thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm của DNSE. Trước đó, tháng 7/2021, công ty chứng khoán này cũng trải qua một đợt điều chỉnh vốn lên 1.000 tỷ đồng. Kết hợp cùng định hướng phát triển sản phẩm với cam kết miễn phí giao dịch trọn đời cho khách hàng, DNSE đã có những bước phát triển mạnh trong hoạt động kinh doanh.

Báo cáo thường niên năm 2021 cho biết, công ty tăng trưởng lợi nhuận gấp 25 lần, số lượng tài khoản mở mới tăng gấp 8 lần dù nền tảng Entrade X mới ra mắt. Doanh nghiệp chiếm đến 16,5% thị phần tài khoản mở mới của toàn thị trường trong tháng 3/2022.

Đại diện DNSE cho biết, kết quả của đợt tăng vốn này sẽ là bước đệm giúp gia tăng năng lực triển khai, tiếp tục mở rộng thị phần và quy mô phát triển. DNSE cũng đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp trong năm nay sau khi nâng vốn thành công.

Tuệ An

Một doanh nghiệp sẽ rót 1.000 tỷ vào công ty Bầu Đức

3 nhóm nhà đầu tư sẽ mua vào lượng cổ phiếu 1.700 tỷ đồng của HAGL, trong đó riêng Glory Land rót gần 1.000 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu để huy động vốn (đã được cổ đông thông qua hôm 8/4). Giá chào bán là 10.500 đồng một cổ phiếu, tương đương với số tiền dự kiến thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện trong năm 2022. Danh sách nhà đầu tư được chốt chính thức gồm: Công ty TNHH Glory Land, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng – một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, Công ty Glory Land dự kiến mua vào hơn 95,2 triệu cổ phiếu phát hành (tỷ lệ 8,74%), tương đương số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đến là Công ty Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua hơn 47,6 triệu cổ phiếu HAG (tỷ lệ 4,37%), tương đương số tiền chi gần 500 tỷ đồng. Nhà đầu tư cuối cùng là ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ mua hơn 19 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,75%) với số tiền gần 200 tỷ đồng. Ông đang là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần MEOO.

Danh sách này có sự thay đổi so với chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL trong phiên họp cổ đông mới đây rằng, nhà đầu tư mua riêng lẻ là Chứng khoán VPBank và Quỹ đầu tư Việt Cát.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Glory Land thành lập năm 2014, tiền thân là Công ty cổ phần Aamilk, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cổ đông sáng lập ban đầu của Glory Land là ba cá nhân, trong đó bà Cao Thị Ngọc Sương – vợ ông Bùi Thành Nhơn – nắm giữ 89,9%. Bà Sương từng là người đại diện pháp luật của Glory Land. Số cổ phần này sau đó được chuyển sang cho CTCP Đầu tư No Va, đại diện là ông Bùi Thành Nhơn.

Cuối năm 2020, doanh nghiệp này có một loạt thay đổi về tên công ty, người đại diện theo pháp luật và quy mô vốn. Tháng 12/2020, Aamild đổi tên thành Glory Land, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 100 triệu đồng lên 398 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc doanh nghiệp là bà Bùi Thị Minh Hương, sinh năm 1961.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (Quỹ Việt Cát) đặt trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Doji Tower, Hà Nội. Công ty này có ba cổ đông lớn là ông Nguyễn Anh Vũ (sở hữu 58% vốn điều lệ), bà Hồ Thị Thùy Giang (24%) và bà Nguyễn Thanh Hương (18%). Ba cá nhân này từng giữ vị trí Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của Việt Cát từ tháng 11/2014 tới tháng 4/2021.

Ngoài vai trò tại Quỹ Việt Cát, ông Nguyễn Anh Vũ còn là quyền Tổng giám đốc của Công ty cổ phần West Lake Luxury, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Red River – công ty thành viên của Doji Group.

Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của HAGL sẽ tăng từ 9.275 tỷ lên 10.893 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của bầu Đức cũng sẽ giảm từ 34,5% xuống 29,37%.

Tại đại hội cổ đông của công ty hôm 8/4, ông Đức cho biết, số tiền thu được sau đợt chào bán trên sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho các công ty con, đầu tư trồng 7.000 cây chuối và một triệu con heo. Ngoài ra, công ty sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.

Năm nay, HAGL sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn một triệu con heo thịt mỗi năm. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay.

Thi Hà – Minh Sơn

Cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản giảm giá sâu khiến VN30-Index mất hơn 24 điểm trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng khiến xu hướng chính của phiên hôm nay không có nhiều thay đổi. VN-Index mở cửa sát tham chiếu, đi ngang cho tới cuối phiên sáng khi nhiều nhóm cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Khác với những phiên trước, nhóm giao dịch khởi sắc trong đầu phiên hôm nay đến từ phân khúc vốn hóa trung bình, trong khi các mã vốn hóa lớn chịu áp lực.

Tuy nhiên, sắc xanh không duy trì được lâu. Lực bán tăng vọt trong đầu phiên chiều, tập trung vào các nhóm có tỷ trọng vốn hóa cao như ngân hàng và bất động sản, nhanh chóng kéo thị trường giảm sâu. Sắc đỏ của chỉ số phần nào ảnh hưởng tới tâm lý chung, khiến nhiều nhóm vốn hóa thấp bị bán tháo.

Kết quả là VN30-Index giảm tới 1,6% (hơn 24 điểm) xuống dưới ngưỡng 1.500 điểm. VN-Index theo đó giảm hơn 13,5 điểm (0,92%) còn 1.458,56 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index không nằm ngoài xu hướng chung khi cùng lùi sâu.

VN-Index giảm hơn 13 điểm sau phiên 15/4, trong khi VN30-Index giảm tới 24 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm hơn 13 điểm sau phiên 15/4, trong khi VN30-Index giảm tới 24 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm áp đảo với 321 mã giảm trên HoSE, so với 145 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 22/30 cổ phiếu vốn hóa lớn chốt phiên dưới tham chiếu.

Ngân hàng là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong phiên hôm nay. Các mã chủ chốt của nhóm này trong VN30 đều lùi sâu. TPB mất 4,4%, TCB, HDB giảm hơn 3,6%, BID giảm 3%, VPB, MBB, STB chốt phiên thấp hơn tham chiếu trên 2%.

Các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, thép cũng trong trạng thái tương tự. VCI giảm 6%, SSI mất gần 5% thị giá, HCM, SHS giảm 4,7%. Trong nhóm thép, HPG giảm 1,5%, NKG mất gần 1%.

Tổng quan thị trường theo quy mô vốn hóa, với sắc đỏ chiếm chủ đạo ở nhóm bluechip. Ảnh: VNDirect

Tổng quan thị trường theo quy mô vốn hóa, với sắc đỏ chiếm chủ đạo ở nhóm bluechip. Ảnh: VNDirect

Với nhóm bất động sản, các mã hút dòng tiền cùng chốt phiên trong trạng thái tiêu cực. DIG chốt tuần này với mức giảm kịch sàn, SCR, DXG, CEO mất trên 5%, HQC giảm hơn 4%, NBB, NLG chốt phiên dưới tham chiếu. Nhóm cổ phiếu xây dựng, với HBC và CTD, cùng giảm mạnh. Nhóm cổ phiếu liên quan tới Gelex cũng lùi sâu khi áp lực bán tháo tăng vọt.

Ở chiều ngược lại, nhóm bảo hiểm là điểm sáng trong phiên hôm nay. BVH, MIG chốt phiên tăng kịch trần, BIC, PVI có thêm hơn 6%, ABI, BMI tăng hơn 5%.

Thanh khoản thị trường cao hơn phiên 14/4 nhưng không quá đột biến, với giá trị giao dịch trên HoSE hơn 21.600 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.500 tỷ. Khối ngoại hôm nay mua ròng nhưng quy mô chưa tới 100 tỷ đồng.

Minh Sơn

DGC của Hóa chất Đức Giang thành cổ phiếu đắt nhất HoSE

Cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang hôm nay tăng trần 7%, vượt VCF của Vinacafé Biên Hoà thành mã có thị giá cao nhất sàn HoSE.

Giá tham chiếu của DGC trong phiên giao dịch 14/4 là 231.000 đồng, kém xa mức 245.000 đồng của cổ phiếu đứng đầu về thị giá là VCF.

Tuy nhiên, ngay khi thị trường mở cửa, lực mua mạnh đã đẩy giá DGC tăng vọt. Cổ phiếu này nhanh chóng chạm trần 247.200 đồng, không có bên bán để vươn lên dẫn đầu về thị giá, trong khi VCF mất 2% còn 240.000 đồng.

VCF đã giữ vị trí đứng đầu về thị giá khoảng hai năm nay. Một số giai đoạn giá cổ phiếu này lên đến 280.000 đồng nhưng giao dịch nhỏ giọt vì cơ cấu cổ đông cô đặc. Trước đó, vị trí này từng thuộc về YEG khi có thời điểm lên trên 300.000 đồng.

Đà tăng của DGC bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, tức cách đây hơn hai năm, khi giá cổ phiếu còn dao động quanh vùng 15.000 đồng. Giá cổ phiếu hiện tại tăng gấp 16 lần so với giai đoạn đó. Tính riêng trong một năm trở lại đây thì cổ phiếu này tăng 315%.

Chất xúc tác của phiên tăng hôm nay là thông tin Hội đồng quản trị công ty thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 117%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu thì được nhận 117 cổ phiếu mới. Công ty dự kiến phát hành ngay trong tháng này hoặc tháng tới sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, việc ban lãnh đạo Đức Giang ước lãi sau thuế quý I đạt 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái, cũng tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Công ty dự báo năm nay doanh thu đạt hơn 14.000 tỷ đồng và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ xấp xỉ 4.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 46,6% và 71,5% so với cùng.

DGC hôm nay khớp lệnh hơn 2,4 triệu đơn vị, tương đương 580 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh cổ phiếu này với giá trị giải ngân 93 tỷ đồng, trong khi bán ra không đáng kể.

Thị giá DGC đã vượt qua dự phóng của nhiều công ty chứng khoán. Ví dụ, đầu tháng 2, Mirae Asset kỳ vọng giá cổ phiếu này trong một năm tới lên 197.400 đồng, tăng 22% so với vùng giá khi đó. Sau đó một tháng, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng DGC sẽ lên 233.000 đồng trong 12 tháng, tăng 31% so với thời điểm ra khuyến nghị.

Trong báo cáo phân tích công bố đầu tháng 4, Chứng khoán SSI nhận định DGC sẽ diễn biến khả quan để lên 252.000 đồng. Trong khi đó, Mirae Asset đã điều chỉnh dự phóng với kỳ vọng mới là 280.000 đồng.

Phương Đông

Kế hoạch lợi nhuận của Điện Quang bị cổ đông chê thấp

Cổ đông Điện Quang cho rằng kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất năm nay của công ty 30 tỷ đồng, tăng 21% so với năm ngoái quá thận trọng và đề nghị tăng lên 40-50%.

Năm nay, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (DQC) đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng, tăng 36,27%, lãi trước thuế hợp nhất 30 tỷ đồng, tăng 21% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tại đại hội sáng 14/4, cổ đông cho rằng, kế hoạch trên còn quá thận trọng so với sức khỏe của doanh nghiệp. Cổ đông đề nghị ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng 40-50% lợi nhuận để người lao động cùng cố gắng.

Trước đề nghị này, ông Hồ Huỳnh Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho rằng, hai năm Covid-19 khiến doanh nghiệp khá khó khăn về dòng tiền. Sang 2022, dịch bệnh đã bắt đầu ổn định nhưng ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây nhiều thách thức cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Ngoài ra, lạm phát tăng cao, nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào khan hiếm cũng tác động đến hoạt động công ty. Do đó, việc đặt kế hoạch lợi nhuận không quá đột biến giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Mặt khác, công ty đẩy mạnh các dòng sản phẩm thông minh phù hợp với xu hướng thị trường nhưng phải 2-3 năm người dân mới tiếp cận rộng rãi. Do đó, muốn có lợi nhuận đột biến rất khó.

Nhà máy sản xuất chipled của Điện Quang. Ảnh: Hồng Châu

Nhà máy sản xuất chipled của Điện Quang. Ảnh: Hồng Châu

Điện Quang hiện tiếp tục tái cấu trúc hệ thống phân phối, phát triển mảng giải pháp chiếu sáng và điều khiển thông minh kết nối, tối ưu hóa nguồn lực,…

Năm nay, công ty này đặt kế hoạch chia cổ tức 7%, tức 700 đồng một cổ phiếu.

Năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 733 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 24,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 26,62% và 17,34%.

Nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch doanh thu năm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó, quý III nhiều tỉnh thành áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly để phòng dịch nên khiến doanh thu ảnh hưởng. Lợi nhuận không đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng so với 2020 chủ yếu nhờ hoạt động tài chính.

Hồng Châu

Tiền vào chứng khoán thấp nhất hai tháng

Thanh khoản sàn TP HCM phiên hôm nay chỉ đạt 18.500 tỷ đồng, giảm 3.500 tỷ so với hôm qua và là mức thấp nhất hai tháng.

Theo nhiều công ty chứng khoán, phiên tăng mạnh hôm qua cho thấy nhà đầu tư dường như đã quên chuỗi giảm sốc ba phiên trước đó và dự báo điều này còn tiếp diễn trong hai phiên cuối tuần.

Diễn biến thị trường sáng nay khớp với dự báo này khi VN-Index luôn đi trên tham chiếu, có lúc tăng hơn 6 điểm để tiệm cận vùng 1.485 điểm. Tuy nhiên, khoảng một tiếng trước giờ đóng cửa, thị trường đột ngột đảo chiều bởi áp lực bán dâng cao. Biên độ giảm được nới rộng dần, đến khi chốt phiên, Vn-Index mất 5 điểm xuống 1.472 điểm.

Dòng tiền bắt đáy thận trọng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số không trở lại sắc xanh. Giá trị giao dịch trên sàn TP HCM hôm nay chỉ đạt 18.500 tỷ đồng, giảm 3.500 tỷ đồng so với hôm qua và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.

Thị trường không ghi nhận cổ phiếu nào có thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng. VPB đứng đầu cũng chỉ đạt 930 tỷ đồng, tiếp đến DPM gần 700 tỷ đồng và DGC 580 tỷ đồng. Tính theo nhóm cổ phiếu thì tài chính – ngân hàng dẫn đầu thanh khoản khi đạt xấp xỉ 3.800 tỷ đồng, sau đó là nguyên vật liệu và bất động sản.

Sàn TP HCM có 270 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, trong đó 8 mã giảm sàn. Phần lớn cổ phiếu mất hết biên độ trong phiên này, như PTL, RIC, PXI, PXS, đang sắp bị huỷ niêm yết vì thua lỗ nhiều năm liên tiếp hoặc kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính.

Rổ VN30 cũng có 20 cổ phiếu giảm. Nhóm ngân hàng chịu áp lực xả hàng quyết liệt, thể hiện qua việc các mã trụ như VCB, TCB, STB, TPB, HDB đều mất hơn 1,5% so với tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, sắc xanh chiếm ưu thế trong nhóm dầu khí, hoá chất, cảng biển. GAS, DGC, DPM, DCM là những cổ phiếu thuộc các nhóm này góp mặt trong danh sách những mã tác động tích cực nhất đến chỉ số chung.

Sau khi ngắt chuỗi bán ròng trong phiên hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại xả hàng. Nhóm này mua vào 1.042 tỷ đồng nhưng bán ra đến 1.260 tỷ đồng, tập trung vào các mã vốn hoá lớn như HPG, VHM, VCB.

Phương Đông

Chứng khoán quay đầu tăng gần 22 điểm

VN-Index tăng lại gần 22 điểm trong phiên 13/4, sau chuỗi ba phiên giảm mạnh, khi sắc xanh chiếm áp đảo, nhiều nhóm cổ phiếu bật cao.

Thị trường mở cửa phiên hôm nay trong trạng thái thận trọng, khi VN-Index trước đó giảm mạnh ba phiên liên tiếp. Mặt bằng giá nhiều cổ phiếu lùi sâu khiến áp lực bán không còn quá mạnh, nhưng bên mua cũng không quyết liệt đẩy giá. Trạng thái giằng co duy trì đến hết phiên sáng khi nhiều cổ phiếu chỉ biến động quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, sắc xanh lấy lại ưu thế. Bên cầm tiền tỏ ra thiếu kiên nhẫn, đẩy giá mua mạnh hơn. Các nhóm bị bán tháo trong ba phiên trước như bất động sản, đầu cơ, những nhóm bị ảnh hưởng bởi tin đồn, đều bật cao. Nhóm vốn hóa lớn cũng duy trì sắc xanh.

Giao dịch tại sàn chứng khoán Yuanta, quận 1, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Giao dịch tại sàn chứng khoán Yuanta, quận 1, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Chốt phiên, VN-Index có thêm gần 22 điểm (1,51%) tiến gần ngưỡng 1.480 điểm. VN30-Index tăng hơn 18 điểm (1,21%) lên 1.525,39 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 1,5%, còn UPCOM-Index có thêm gần 0,8%.

Sắc xanh chiếm ưu thế khi sàn HoSE ghi nhận 331 mã tăng so với 126 mã giảm. Trong nhóm VN30, 27/30 mã vốn hóa lớn tăng giá.

Trong ba phiên trước, nhóm bất động sản và đầu cơ bị bán tháo ồ ạt thì phiên hôm nay, hai nhóm này đều tăng cao. DXG, SCR, ITA, QCG chốt phiên tăng hết biên độ, HQC tăng gần 6%, CEO, NLG có thêm hơn 4%, DIG tăng 2,2%, NBB, CII vượt tham chiếu hơn 1%.

VN-Index chốt phiên 13/4 tăng gần 22 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 13/4 tăng gần 22 điểm. Ảnh: VNDirect

Với nhóm đầu cơ, các mã liên quan tới FLC cũng bật cao. Trừ FLC và ROS chốt phiên giảm 3%, các mã còn lại đều giữ sắc xanh. KLF tăng kịch trần hơn 8%, AMD, HAI, ART có thêm hơn 1%. Nhóm cổ phiếu họ Louis cũng tương tự khi BII, AGM vượt tham chiếu. Nhóm Hoàng Anh Gia Lai, các mã liên quan tới Gelex, nhóm Hoàng Huy đều tăng mạnh.

Trong nhóm vốn hóa lớn, các mã tài chính, công nghệ, bán lẻ giao dịch tích cực. BVH, TPB có thêm hơn 5%, FPT tăng 4,8%, GVR tăng 4,5%, PNJ, VRE, MWG có thêm 2-3%, SSI, NVL, CTG, MBB, MSN, HDB vượt tham chiếu. Ba mã kém tích cực nhất đều trong nhóm ngân hàng là VPB, TCB, VCB, chốt phiên ở tham chiếu.

Mặc dù thị trường tăng cao, thanh khoản không quá đột biến. Sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch hơn 22.000 tỷ đồng, tương đương phiên hôm qua. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.900 tỷ.

Minh Sơn

VN-Index mất gần 27 điểm

Chứng khoán lao dốc trong phiên hôm nay với sắc đỏ chiếm áp đảo, nhiều cổ phiếu bất động sản, đầu cơ chốt phiên “trắng bảng bên mua”.

Tương tự dự báo của giới phân tích, thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tiêu cực. VN-Index mở cửa gần tham chiếu, giữ sắc xanh được vài phút đầu giờ rồi đảo chiều. Áp lực bán tăng dần khiến nhiều mã chuyển trạng thái từ xanh sang đỏ. Càng giao dịch, bên bán càng quyết liệt hạ giá hơn, trong khi lực cầu bắt đáy thận trọng.

Cuối phiên sáng, bất động sản, đầu cơ là nhóm chịu áp lực lớn khi giảm sâu, nhiều mã “trắng bảng bên mua”. Nhóm bluechip cũng lao dốc, không còn “gánh” thị trường như những phiên trước.

Sang đầu phiên chiều, thị trường thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, nhịp tăng trở lại không đi kèm với khối lượng nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán tháo. Mức độ giảm của thị trường còn mạnh hơn phiên sáng khi số mã giảm sàn lan rộng.

VN-Index giảm gần 27 điểm sau phiên ngày 12/4. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm gần 27 điểm sau phiên ngày 12/4. Ảnh: VNDirect

Chốt phiên, VN-Index giảm gần 27 điểm (1,8%) xuống còn 1.455,25 điểm. Mức giảm sau phiên sáng nay nới rộng đà giảm của thị trường trong ba phiên gần nhất lên gần 70 điểm, từ ngưỡng 1.525 điểm xuống sát 1.455 điểm. VN30-Index giảm hơn 17 điểm (1,12%) xuống 1.507,2 điểm.

Sắc đỏ chiếm ưu thế với 409 mã giảm trên HoSE, với 64 mã giảm kịch sàn, so với 67 mã tăng. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 27/30 mã bluechip đóng cửa dưới tham chiếu.

VN-Index giảm gần 21 điểm sau phiên sáng ngày 12/4. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm gần 21 điểm sau phiên sáng ngày 12/4. Ảnh: VNDirect

Cuối phiên sáng, nhóm bất động sản chỉ có vài mã giảm sàn, nhưng phiên chiều, số mã “trắng bảng bên mua” tăng vọt. HQC, PTL, SCR, SJF, CII, QCG, NBB, DIG cùng giảm hết biên độ, CEO mất 9,4%, NLG, ITA lùi sâu dưới tham chiếu.

Áp lực bán tháo lan sang nhiều nhóm khác. Các mã cổ phiếu dầu khí lùi sâu, nhiều mã giảm hết biên độ, tình trạng tương tự với nhóm xây dựng, thép, nhóm Hoàng Anh Gia Lai…

Các mã đầu cơ cũng bị ảnh hưởng mạnh. Nhóm cổ phiếu liên quan tới FLC chốt phiên hôm nay bị bán tháo. FLC, ROS, AMD, HAI, KLF, ART giảm sàn, nhóm cổ phiếu họ Louis cũng trong trạng thái tương tự.

Trong nhóm VN30, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo. Các mã vốn hóa lớn hầu hết mở phiên hôm nay trong sắc xanh, nhưng tới cuối phiên ghi nhận 27/30 mã giảm. BVH giảm mạnh nhất với 5,5%, TPB, GVR mất trên 5% thị giá, BID, VRE, CTG, MBB, VHM, SSI giảm quanh ngưỡng 3-4%. Ở chiều ngược lại, MWG, MSN, FPT tăng hơn 1%, VPB là mã ngân hàng duy nhất chốt phiên trên tham chiếu.

Thanh khoản sàn HoSE không đột biến, chỉ ở mức trung bình với hơn 21.200 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 giao dịch gần 8.000 tỷ. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng với quy mô gần 300 tỷ đồng.

Minh Sơn

3 cổ phiếu ‘họ FLC’ bị cắt margin

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới bổ sung FLC, HAI và ROS vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư. Khi một cổ phiếu bị cắt margin, tức ngừng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư sẽ không thể vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu này.

Nguyên nhân cổ phiếu của Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Nông dược HAI và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị cắt margin đều là chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 so với hạn quy định.

Trước đó, một số công ty chứng khoán cho vay ký quỹ cổ phiếu FLC với tỷ lệ 20-30% và 10-20% đối với ROS.

Lợi ích khi dùng dịch vụ margin (đòn bẩy tài chính) là nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Sử dụng margin là cách để tối ưu hiệu suất đầu tư, bởi công cụ này tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Ba cổ phiếu “họ FLC” nối dài danh sách 70 mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên sàn TP HCM vì nhiều nguyên nhân như thời gian niêm yết dưới 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm, báo cáo tài chính không được kiểm toán chấp nhận toàn phần…

Cách đây một tuần, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán gửi báo cáo về dư nợ cho vay ký quỹ đối với 7 cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART và GAB.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch FLC bị bắt và giá các cổ phiếu liên quan biến động mạnh. FLC giảm 9 trong 10 phiên giao dịch gần nhất, trong đó 6 phiên giảm hết biên độ khiến thị giá mất 33%. ROS diễn biến tương tự khi mất hơn 35%, HAI, KLF và ART mất 25-29%.

Phương Đông