Vĩ mô

Bộ Tài chính nêu đề xuất ‘cứu’ thị trường trái phiếu

Nhiều giải pháp Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ giúp thị trường “dễ thở” hơn như nới thời hạn trái phiếu đã phát hành, lùi hạn nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo đó, nhiều giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra giúp doanh nghiệp phát hành “dễ thở” hơn để bước qua giai đoạn khó khăn.

Thứ nhất, Bộ đề xuất hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm một năm. Nếu được thông qua, quy định “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay” sẽ có hiệu lực từ đầu 2024 thay vì từ đầu 2023 như Nghị định 65.

Ưu điểm của phương án này theo Bộ Tài chính là thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn. Bên cạnh đó, các vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường đã giúp người dân nâng cao ý thức, hạn chế việc mua trái phiếu chỉ vì lãi suất mà không quan tâm đến rủi ro.

Thứ hai là lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn.

Hiện nay, Nghị định 65 yêu cầu từ đầu năm sau, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm (nếu có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên việc bắt buộc kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể được lùi tới đầu 2024.

Theo lý giải của Bộ, doanh nghiệp đang khó khăn trong huy động vốn trong khi thực hiện xếp hạng phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành.

Thứ ba, Bộ đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm.

Theo đó, dự thảo quy định doanh nghiệp “được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa hai năm so với phương án đã công bố cho nhà đầu tư”. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận. Trong khi đó theo quy định hiện hành, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.

Việc cho phép thay đổi thời hạn trái phiếu đã phát hành theo Bộ Tài chính, giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào hai năm tới. Doanh nghiệp theo đó có thể thoả thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025-2026, cũng như có khả năng huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ.

Thứ tư, Bộ Tài chính cũng đề nghị cho lùi hạn áp dụng quy định về thời gian phân phối trái phiếu về sau 2024.

Theo quy định hiện nay, thời gian phân phối trái phiếu là không quá 30 ngày từ lúc công bố thông tin, tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt không quá 6 tháng từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị thời hạn áp dụng quy định này từ 2024 để doanh nghiệp cân đối và huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ đến hạn vào hai năm tới.

Bên cạnh đó, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Với loạt giải pháp Bộ Tài chính đưa ra, giới chuyên gia kỳ vọng doanh nghiệp có thêm thời gian và nhiều lựa chọn hơn để cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ qua đó hạn chế khả năng vỡ nợ.

Quỳnh Trang

Thủ tướng: ‘Không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế’

Quan điểm không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế được Thủ tướng nhắc nhiều lần tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn chiều 22/4.

Thị trường vốn (bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua, thị trường này đã xuất hiện nhiều sai phạm mà điển hình là vụ việc ở Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Louis Holding.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, thị trường tài chính đang có những hạn chế, bất cập về cấu trúc, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực. Cá biệt, còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường.

Dù vậy, ông khẳng định “những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính”. Mặt khác, việc xử lý sai phạm cũng là bước đi cần thiết để làm trong sạch, giúp thị trường tốt, lành mạnh, an toàn, bền vững hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị chiều 22/4. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị chiều 22/4. Ảnh: VGP

Nói rõ hơn về các sai phạm, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, một trong những hành vi phổ biến là chấp hành không đúng quy định về công bố thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Dẫn số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông nói, đã có 471 quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.

“Các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự”, Thứ trưởng Công an nhận xét.

Trong đó, ông đặc biệt chỉ ra hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cô đông lớn, cổ đông nội bộ… Ngoài ra, thị trường cũng phổ biến tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch, thất thiệt trên các mạng xã hội; lôi kéo các nhóm đầu tư, tư vấn mua bán gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Phản hồi lại nhận định của lãnh đạo Bộ Công An, Thủ tướng nhấn mạnh: “Quan trọng là chúng ta không hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”.

Là đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) cho biết, rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng. Dù vậy, bà nhận định, “những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý”.

Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội nhìn nhận, việc ngăn chặn lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đặt ngược vấn đề về vai trò của cơ quan quản lý vì “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

“Trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường đáng ra các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước và thực hiện vai trò của mình. Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường”, ông nói.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các sai phạm xảy ra vừa qua là cá biệt, do vậy, việc thắt chặt thị trường là chưa cần thiết.

Ông Zafer Mustafaeglu đến từ World Bank nhận xét, thị trường vốn của Việt Nam còn tương đối non trẻ nên sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra. “Quan trọng hơn là cách chúng ta học hỏi từ sai sót chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn”, ông nói.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đánh giá, việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng trên thị trường chứng khoán, trái phiếu là chưa cần thiết. Ông cho rằng xử lý doanh nghiệp sai phạm là quan trọng nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, thay đổi chính sách đột ngột.

Kết luận hội nghị, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành là tiếp tục ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán về chính sách để nhà đầu tư yên tâm. Theo đó, Bộ Tài chính và các Bộ ngành được giao xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, trái phiếu. Trong đó, quy định phù hợp việc công khai, minh bạch thông tin thị trường, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán. Các cơ quan này cũng cần tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động phát hành, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp…

Thủ tướng cũng tái khẳng định: “Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng”.

Đức Minh