Chứng khoán

Chứng khoán tăng mạnh nhất ba tuần

VN-Index tăng hơn 7 điểm, mạnh nhất ba tuần qua nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu bluechip, dẫn đầu là nhóm chứng khoán, nhưng thanh khoản còn thấp.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đi trên tham chiếu cả ngày. Buổi sáng tuy mở cửa trong sắc xanh, các lệnh mua không xuất hiện quá dày đặc khiến chứng khoán chỉ tăng nhẹ 2-3 điểm. Gần sát nghỉ trưa, thị trường mới bật lên nhờ lực kéo từ rổ VN30.

Đầu giờ chiều, chỉ số chung đạt mức cao hơn 8 điểm so với tham chiếu nhưng sau đó phải hạ độ cao khi áp lực bán dần xuất hiện. Nhờ phiên ATC hỗ trợ tốt, VN-Index đóng cửa trên 1.236 điểm, tích lũy hơn 7 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có 287 cổ phiếu tăng giá, hơn gấp đôi so với 127 cổ phiếu giảm. Trong đó có 9 mã tím trần, nổi bật có FCN, HT1, CTI hay HVH. Tuy nhiên những mã bluechip vẫn là nhóm đóng góp tích cực nhất cho thị trường, lần lượt là MSN, HPG, HVN…

Nếu xét theo ngành, dịch vụ tài chính có diễn biến nổi bật khi sắc xanh phủ gần kín bảng điện. Trong đó, các cổ phiếu như HCM, VIX, ORS, VND, MBS, FTS, VDS đều tăng khoảng 1,2-2,3%.




Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhóm chứng khoán vốn có độ nhạy cảm cao với thị trường. Những phiên gần đây, các mã này giằng co liên tục cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng được trấn an khi nhiều công ty chứng khoán khuyên hạn chế bán ra vào lúc VN-Index điều chỉnh về vùng giá 1.200-1.220 điểm.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đây là vùng giá hỗ trợ mạnh tương ứng khu vực cao nhất năm 2018, cạnh dưới kênh giá tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay, cũng như kênh giá tăng trưởng trung – dài hạn nối các vùng giá thấp nhất từ tháng 11/2022 đến nay. “Nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn, có thể dần xem xét tích lũy”, nhóm phân tích SHS đưa ra nhận định sau phiên hôm qua.

Hôm nay, thanh khoản có sự cải thiện khi đóng cửa gần 10.400 tỷ đồng, tích lũy thêm gần 1.900 tỷ. Trong khi dòng tiền tham gia vào buổi sáng vẫn èo uột, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch nhiều hơn trong phiên chiều. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp, cho thấy xu hướng đứng ngoài thị trường vẫn chiếm ưu thế.

Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài đà xả hàng lên phiên thứ 7 liên tiếp. Hôm nay họ bán ròng khoảng 405 tỷ đồng. FPT tiếp tục bị rút vốn mạnh nhất, theo sau còn có STB khi cả hai đều ghi nhận giá trị bán ròng của khối ngoại trên trăm tỷ.

Tất Đạt

Cổ phiếu VNDirect tăng trần

Sau nhiều phiên đi lùi về gần vùng mệnh giá, mã VND của VNDirect tăng hết biên độ, vào top cổ phiếu kéo điểm cho chứng khoán hôm nay.

Sau phiên ATO vài phút, VND lập tức được kéo lên mức giá trần 12.250 đồng một đơn vị. Sắc tím được giữ xuyên suốt buổi sáng nhưng sau đó gặp rung lắc nhẹ ở phiên chiều, trước khi trở lại mức tăng kịch biên độ trong những phút cuối phiên. VND đứng thứ 4 trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực tới VN-Index.

Thanh khoản mã này đạt gần 239 tỷ đồng, xếp thứ 7 toàn thị trường. Tuy nhiên, khoảng hai phần ba lượng khớp lệnh do bên bán chủ động thực hiện. Tổng khối lượng giao dịch cũng không chênh đáng kể so với mức trung bình 52 tuần qua.




Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu VND phiên 16/1. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu VND phiên 16/1. Ảnh: Tất Đạt

Diễn biến trên phần nào giúp giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư VNDirect khi cổ phiếu này lùi dần về mệnh giá.

Từ cuối tháng 3 đến nay, thị giá mã này thường xuyên giảm. So với mức đỉnh 24.300 đồng vào thời điểm kể trên, VND “bốc hơi” gần 50%. Những phiên gần đây, cổ phiếu VNDirect còn lùi về sát 11.000 đồng, khoảng cách rất gần so với mệnh giá.

VND khoác sắc tím sau thông tin Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thuộc Trung Nam Group) mua lại một phần trước hạn 6 lô trái phiếu. Trong khi đó, VNDirect là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành, đăng ký lưu ký cho các lô trái phiếu của Trung Nam Đắk Lắk 1.

Vừa qua, VNDirect lên kế hoạch phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu và 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2025-2026. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định các kế hoạch này sẽ hỗ trợ VND khai thác hiệu quả mảng cho vay ký quỹ và tận dụng tốt các cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính đang trên đà phát triển.

VND là một trong 4 cổ phiếu kịch trần, bên cạnh VTP, TYA và TMT. Hôm nay chứng khoán gần như đi trên tham chiếu cả ngày, VN-Index đóng cửa trên 1.242 điểm, tích lũy thêm hơn 6 điểm so với hôm qua. Thanh khoản tiếp tục cải thiện khi tăng hơn 2.900 tỷ lên mức trên 13.300 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng ở phiên thứ 8 với giá trị gần 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hơn 2.040 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận của VIC. Còn lại, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán FPT, STB, SSI và CTG.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng điểm ba phiên liên tiếp

VN-Index bứt tốc về cuối phiên, lên 1.249,11 điểm, đánh dấu ba phiên tăng liên tiếp.

Chỉ số đại diện sàn HoSE giao dịch giằng co trong biên độ hẹp trong hầu như cả phiên 17/1. Đến 13h45, VN-Index mới bứt phá tăng điểm liên tục và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên 17/1, VN-Index đạt 1.249,11 điểm, tăng 6,75 điểm (0,54%). Như vậy, chỉ số chính đã tăng 3 phiên liên tiếp với tổng mức tăng đạt 1,63%. Các “chủ công” hỗ trợ cho VN-Index phiên hôm nay là các cổ phiếu vốn hóa lớn TCB, FPT, HDB, CTG. Có thể thấy, nhóm VN30 hôm nay tăng 10,23 điểm (0,78%), vượt mức tăng của VN-Index.

Đà tăng của chỉ số không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn. Sàn HoSE ghi nhận 272 mã tăng, áp đảo số mã giảm (123 mã). Một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn hút tiền tốt như YEG, TMT tăng hết biên độ, trong đó YEG đã chấm dứt chuỗi giảm điểm 3 phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì mức thấp khi chỉ có 369 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương đương giá trị đạt 8.578 tỷ đồng.

Xét về nhóm ngành, nhóm công nghệ thông tin nổi bật khi tăng 1,76%, với sắc xanh chiếm chủ đạo như FPT (+1,7%), CMG (+2,9%). Trong đó, FPT đã tăng trong 3 phiên liên tiếp với tổng mức tăng đạt gần 2,7%. Bên cạnh FPT, CMG còn có ELC, TYA tăng hết biên độ.

Xếp sau công nghệ thông tin là ngành năng lượng (+1,52%), ngành chăm sóc sức khỏe (1,29%)…

Chiều ngược lại, hai nhóm giảm duy nhất là ngành tiện ích công cộng (-0,26%) và hàng tiêu dùng thiết yếu (-0,13%).

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên 17/1 với tổng giá trị 518,96 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong 9 phiên liên tiếp. Khối ngoại phiên 17/1 tập trung bán các mã FPT (140,6 tỷ đồng), VCB (57,6 tỷ đồng), STB (64,4 tỷ đồng), FRT (33,2 tỷ đồng)…

Bình Phàm

Novaland chậm trả lãi lô trái phiếu quốc tế 321 triệu USD

Lô trái phiếu quốc tế gần 321 triệu USD bị chậm thanh toán lãi, Novaland nói chưa thể sắp xếp đủ nguồn tiền do bất động sản còn khó khăn.

Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố chậm trả lãi lô trái phiếu chuyển đổi trị giá hơn 320,9 triệu USD. Đây là lô trái phiếu được huy động vào năm 2021 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), đến hạn vào năm 2027.

NVL cho biết thị trường bất động sản năm trước đã có những điểm sáng mới và đang bám sát tiến trình phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, 2024 là năm đầy thách thức cho tài chính doanh nghiệp địa ốc với nhiều áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có Novaland, khiến nỗ lực phục hồi chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nguồn thu của NVL bị ảnh hưởng đáng kể, gây khó khăn trong việc thanh toán cho các bên cho vay theo kế hoạch. Do đó, họ vẫn chưa thể sắp xếp đủ nguồn tiền để hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ trả lãi vào ngày 16/1. Doanh nghiệp này đã đề xuất với các trái chủ phương án gia hạn thanh toán lãi để phù hợp với tình hình hiện tại và khả năng của công ty.

“Trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, Novaland cần thêm thời gian để phục hồi, do đó mong nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của trái chủ để ổn định hoạt động kinh doanh và sớm hoàn thành các nghĩa vụ”, NVL cho biết.

Trước đó, họ đã điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu quốc tế hơn 300 triệu USD này. Từ ngày 5/1, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá 36.000 đồng một đơn vị, tương ứng tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu cho một trái phiếu.

Trong khi đó, giá cổ phiếu Novaland đóng cửa phiên 17/1 chỉ 9.280 đồng một đơn vị, thủng mệnh giá và đang ở quanh vùng thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này từ khi lên sàn cuối năm 2016. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu Novaland đã giảm gần 45%. Nếu so với kỷ lục 92.366 đồng từng thiết lập vào cuối tháng 6/2021, thị giá đã bốc hơi khoảng 90%.

Gần đây, NVL có nhiều diễn tiến mới về tái cấu trúc tài chính. Công ty lên phương án mua lại trái phiếu trước hạn toàn bộ 21 mã phát hành từ năm 2020, tương đương 7.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá và sẽ triển khai đến hết tháng 1. Tuần trước, họ báo cáo đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để mua lại trước hạn 5 lô trong nhóm trái phiếu này.

Sau gần hai năm tái cấu trúc toàn diện, doanh nghiệp này cho biết đã cơ cấu thành công phần lớn các khoản nợ. Tổng dư nợ phải trả cho các bên cho vay tính đến cuối năm 2024 đã giảm hoặc đã có phương án xử lý với giá trị gần 29.700 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Họ cũng thu xếp, huy động được nhiều nguồn vốn mới để thi công dự án. Gần đây, công ty cũng ghi nhận những thay đổi ở nhóm nhân sự cấp cao.

Novaland cho biết đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý tại các dự án trọng điểm. Aqua City dự kiến hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép bán hàng cho các phân khu phù hợp quy hoạch mới vào tháng 7. NovaWorld Phan Thiet dự kiến hoàn thiện các quyết định đóng tiền sử dụng đất từ tháng 4, từ đó triển khai tiếp các hoạt động xây dựng, bàn giao, thu tiền bán sản phẩm của các dự án.

Tất Đạt

Cổ phiếu Tân Tạo sẽ bị hủy niêm yết

HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ITA của Tân Tạo vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Chiều nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ra thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Nguyên nhân là doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Thông báo trên cũng căn cứ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).

Trước đó, ITA lần lượt bị đưa vào diện cảnh báo (tháng 8/2022), kiểm soát (tháng 10/2024) và gần nhất là đình chỉ giao dịch từ ngày 26/9/2024. Kể từ đó, thị giá giậm chân quanh 2.350 đồng một đơn vị.

Hiện Tân Tạo chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (thời hạn nộp là cuối tháng 3/2024), báo cáo thường niên năm 2023 (thời hạn cuối tháng 8/2024), quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân TP HCM. Công ty đã có các văn bản đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 vì lý do bất khả kháng.




Nhà đầu tư đang theo dõi thị giá cổ phiếu ITA những ngày cuối tháng 9/2024. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi thị giá cổ phiếu ITA những ngày cuối tháng 9/2024. Ảnh: Tất Đạt

Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Tân Tạo nói đã “nỗ lực hết sức” trong việc liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được cấp phép trên thị trường, nhưng đều bị từ chối. Theo họ là do từ năm 2022, SSC đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023.

“Điều này khiến tất cả công ty đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo, vì lo cũng bị đình chỉ tư cách với kiểm toán viên một cách tương tự”, ITA nêu lý do bất khả kháng khiến họ chậm công bố thông tin.

Về vấn đề này, SSC đã có các công văn trong tháng 6 và tháng 10/2024 nêu rõ Tân Tạo chưa cung cấp các tài liệu, bằng chứng làm cơ sở cho các lý do “bất khả kháng” kể trên. Giữa tháng 9 năm trước, HoSE cũng có văn bản đề nghị công ty nhanh chóng khắc phục tình hình vi phạm công bố thông tin để tránh bị hủy niêm yết. HoSE cho rằng các vi phạm kể trên “có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”.

Trong văn bản gửi SSC và HoSE hồi đầu tuần, Tân Tạo nói đã công bố thông tin và khắc phục hết nguyên nhân đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo. Đây là lần thứ 9 họ đề nghị HoSE đưa cổ phiếu công ty ra khỏi cảnh báo, kiểm soát, hạn chế và đình chỉ giao dịch.

“Hơn 17 tháng kể từ ngày Tân Tạo đủ điều kiện đưa ra khỏi diện cảnh báo, công ty đã gửi rất nhiều công văn báo cáo tình hình khắc phục hết các nguyên nhân nhưng HoSE vẫn không có bất cứ phản hồi lý do và không giải quyết đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo”, công văn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng sự chậm trễ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho công ty và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo soát xét bán niên năm 2024 và chuẩn bị cho kỳ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, công ty nói đang nỗ lực thuyết phục các công ty kiểm toán.

“Tuy nhiên, việc có thể hợp tác với đơn vị nào hay không còn phụ thuộc vào hành động của SSC và HoSE trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông và nhà đầu tư”, Tân Tạo nêu quan điểm.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024 chưa kiểm toán, ITA ghi nhận doanh thu hơn 291 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt 132 tỷ đồng. Công ty hoàn thành khoảng 55% chỉ tiêu doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tất Đạt

Cổ phiếu Cao su Tây Ninh lập đỉnh sau khi báo lãi cao nhất 10 năm

Mã TRC của Cao su Tây Ninh tím trần hai phiên liên tiếp, đưa thị giá lên đỉnh mới, sau khi doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 221 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2014.

Sau phiên cuối tuần trước tăng hết biên độ, cổ phiếu TRC mất chưa đầy 30 phút để tăng lên giá trần 62.700 đồng một đơn vị. Sắc tím được giữ đến cuối phiên giúp mã này lập kỷ lục mới về thị giá.

TRC hôm nay có thanh khoản hơn 31,4 tỷ đồng, tương đương khoảng 502.900 cổ phiếu được sang tay. Hơn 47% khớp lệnh đến từ bên mua chủ động. Mã này chốt phiên với 151.400 cổ phiếu dư mua.

Cổ phiếu TRC vốn đã tăng rất mạnh trong năm 2024, từ mức quanh 30.000 đồng nhảy lên gần 54.000 đồng, tức tích lũy khoảng 77%. Mức đỉnh hiện tại cao gấp đôi so với hồi đầu năm 2024.




Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu TRC trong phiên 20/1. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu TRC trong phiên 20/1. Ảnh: Tất Đạt

Diễn biến tích cực kể trên xuất hiện sau khi Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh ghi nhận doanh thu hơn 752 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 34%. Lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ban lãnh đạo cho biết tình hình kinh doanh thuận lợi nhờ giá mủ cao su tăng mạnh kết hợp việc công ty thanh lý vườn cây và giảm chi phí lãi vay. Riêng quý cuối năm 2024, công ty mẹ và cả công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Campuchia) ghi nhận giá bán mủ bình quân đạt hơn 52 triệu đồng mỗi tấn, tăng hơn 56,5% so với cùng kỳ.

TRC là một trong 6 mã khoác sắc tím trong phiên giao dịch hôm nay. Chỉ số VN-Index buổi sáng diễn biến khá tích cực, có lúc tăng 4 điểm. Tuy nhiên, chứng khoán xấu đi trong buổi chiều, sau 14h còn đi dưới tham chiếu. Phiên ATC kéo VN-Index đóng cửa ở 1.249,55 điểm, tăng nhẹ 0,44 điểm so với cuối tuần trước.

Thanh khoản giảm khoảng 284 tỷ về còn 9.995 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục duy trì mức thấp khi nhà đầu tư chọn đứng ngoài quan sát động thái rõ ràng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức ngày 21/1, cũng như tâm lý nghỉ Tết đang cận kề.

Hôm nay đã là phiên thứ 10 liên tiếp khối ngoại ưu tiên xả hàng. Họ bán ròng khoảng 248 tỷ đồng, tương đối nhẹ so với các phiên trước và tập trung chủ yếu ở VCB.

Tất Đạt

DNSE đạt doanh thu 829 tỷ đồng năm 2024

Năm 2024, doanh thu DNSE tăng 12% so với 2023 và chạm mốc 1 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm 21,6% thị phần tài khoản mở mới toàn thị trường năm 2024.

Theo công bố mới đây của đơn vị, trong quý 4 năm 2024, đơn vị ghi nhận doanh thu hoạt động gần 234 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 242 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 105 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ 2023.

Dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán của DNSE cuối quý này đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với đầu năm 2024. Theo ban lãnh đạo công ty, số lượng khách hàng lần đầu dùng sản phẩm margin trong quý 4 đã tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ nhờ chiến lược đẩy mạnh các gói vay phong phú, lãi suất cạnh tranh. Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 42 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2023.

Cả năm 2024, doanh thu hoạt động DNSE đạt hơn 807 tỷ đồng, tăng 12%. Tổng doanh thu đạt 829 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tiếp tục đóng góp chủ yếu vào doanh thu, đạt xấp xỉ 361 tỷ đồng, tăng 26% so với 2023. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 145 tỷ, tăng 114% sau một năm.

Lợi nhuận trước thuế 2024 của đơn vị đạt 228 tỷ đồng, giảm 20% so với 2023. Đại diện DNSE cho biết, doanh thu các mảng nghiệp vụ giữ vững tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, lợi nhuận giảm do trích lập danh mục tự doanh và tác động của bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi trong năm qua.




Chi tiết chỉ tiêu của DNSE trong năm 2024, so với năm 2023. Nguồn: DNSE

Chi tiết chỉ tiêu của DNSE trong năm 2024, so với năm 2023. Nguồn: DNSE

Về quy mô vốn, DNSE tăng trưởng 43% so với đầu năm, tổng tài sản đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng nổi bật từ các khoản cho vay và đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, với chiến lược tập trung phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ và linh hoạt cách thức tiếp cận, hoạt động tăng trưởng khách hàng của DNSE cũng ghi nhận nhiều thành tựu trong năm 2024.

Cứ 5 tài khoản mở mới toàn thị trường, có một tài khoản mở tại DNSE. Cụ thể, đơn vị đã mở mới hơn 434.000 tài khoản trong năm 2024 và đạt mốc một triệu tài khoản chứng khoán vào đầu năm 2025.

DNSE ghi nhận tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tính đến 31/12/2024 là 38.854 tỷ, tăng 72% so với đầu năm 2024. Số lượng chứng khoán quản lý đạt 1,7 tỷ cổ phiếu, tăng 36% so với cùng kỳ 2023. Nhờ đó, thị phần cả mảng chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh của DNSE đều có sự tăng trưởng tích cực.

Trong đó, mảng chứng khoán phái sinh là điểm nhấn tăng trưởng của DNSE năm 2024. Từ vị trí top 5 thị phần giao dịch trong Quý 1, DNSE vươn lên vị trí top 2 thị phần môi giới phái sinh trong quý 4, theo số liệu của HNX.




DNSE đạt top 2 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh trong quý 4 năm 2024. Nguồn: DNSE

DNSE đạt top 2 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh trong quý 4 năm 2024. Nguồn: DNSE

Năm 2024, DNSE có nhiều bước tiến trong việc tăng quy mô nguồn vốn. Công ty chứng khoán công nghệ này đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), huy động 900 tỷ đồng và niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 1/7/2024. Cổ phiếu DSE nhận được sự quan tâm, đầu tư của các quỹ ngoại uy tín như PYN Elite Fund (Phần Lan), Consilium Investment Management (Mỹ)…

Vừa qua, thông qua việc chào bán ba triệu trái phiếu với tổng giá trị 300 tỷ đồng ra công chúng, DNSE tiếp tục có thêm nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh, trong đó, chú trọng các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, giao dịch ký quỹ cũng như hoạt động tự doanh chứng khoán, đầu tư giấy tờ có giá…

Nhật Lệ

Công ty CP Chứng khoán DNSE sẽ tổ chức sự kiện trực tuyến “Công bố Kết quả kinh doanh Quý 4 và cả năm 2024” vào lúc 15h30 thứ 5, ngày 23/1 để mang đến cho khách hàng và nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chính xác về kết quả kinh doanh.
Chương trình được livestream đồng thời trên kênh Youtube và Facebook của DNSE:
Youtube: https://www.youtube.com/@dnse
Facebook: facebook.com/ChungkhoanDNSE

‘Chứng khoán có thể giảm 15-20% trước khi tăng ổn định’

Theo Chứng khoán SHS, năm nay VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15-20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn.

Theo thống kê của VnExpress, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra kịch bản lạc quan về diễn biến VN-Index năm nay. Trung bình các đơn vị đều dự báo chỉ số này đóng cửa thấp nhất trên 1.300 điểm và cao nhất tiệm cận 1.500 điểm ở kịch bản tích cực. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm phân tích có hướng tiếp cận thận trọng hơn.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index duy trì tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên thị trường chỉ tích cực hơn khi các yếu tố hỗ trợ tiếp tục hiện hữu và những rủi ro bất định hạ nhiệt. Các yếu tố tích cực gồm nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng mức trung bình hơn 8% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030; lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt; kỳ vọng nâng hạng thị trường; vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế và GDP.

Mặt khác, SHS vẫn lưu ý năm nay có nhiều yếu tố bất định gồm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; căng thẳng địa chính trị trên thế giới; diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Ngoài ra, VN-Index cũng sẽ chịu tác động nếu thị trường tài chính Mỹ, vàng, tiền số suy giảm trong năm nay.

Do đó, nhóm phân tích này cho rằng có thể xuất hiện trường hợp VN-Index biến động điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại. Thị trường dự báo có thể khởi sắc hơn từ quý II khi FTSE xem xét việc nâng hạng. Chứng khoán theo kịch bản cơ sở sẽ quay lại tích lũy trong kênh giá 1.200-1.300 điểm trước khi tăng trưởng. Ở kịch bản tích cực, họ kỳ vọng chỉ số chung sẽ tăng 11-12% so với năm 2024, hướng tới vùng giá 1.400-1.420 điểm.

Giá trị giao dịch dự báo diễn biến cùng chiều với chỉ số VN-Index, ở vùng thấp khi thị trường trong kênh tích lũy 1.200-1.300 điểm và tăng mạnh khi thị trường biến động khỏi vùng tích lũy, dù theo chiều hướng tăng hay giảm. Tính trung bình trong năm, dự báo giá trị giao dịch toàn thị trường có thể tăng khoảng 11-12% so với năm 2024.




Nhà đầu tư bối rối khi quan sát diễn biến trong một phiên VN-Index giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư bối rối khi quan sát diễn biến trong một phiên VN-Index giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Một trong những rủi ro SHS nhấn mạnh là tỷ lệ cho vay ký quỹ ở mức cao kỷ lục. Giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh hơn 219.358 tỷ đồng cuối quý II/2024. Tỷ lệ dư nợ trên vốn hóa HoSE cũng lập mức cao mới 4,2% – vượt các kỷ lục trong quý I/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới tham gia thị trường yếu hơn so với áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chứng khoán tích lũy trong biên độ hẹp năm 2024.

“Để thị trường chung có thể tăng trưởng tốt, tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5-3,7% tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia nhập thị trường tích cực hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt”, SHS nêu trong báo cáo.

Định giá cũng được xem như điểm hấp dẫn của chứng khoán hiện tại. Cuối năm 2024, định giá theo P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của VN-Index ở mức 14,84 lần, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6 lần) và trung bình 5 năm (17,1 lần). Với P/E dự phóng 11,4 lần, mức này được xem khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, SHS lưu ý định giá thấp do lợi nhuận nhóm ngân hàng rất lớn kéo theo mức P/E chung thị trường xuống thấp.

“Giá của các cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền cao trong khi các nhóm khác lại kinh doanh suy yếu, tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư”, nhóm phân tích này nói thêm.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dẫn dữ liệu từ nền tảng FiinProX cũng chỉ ra thực trạng tương tự. Họ cho rằng có khá nhiều ngành đang bị định giá cao, có thể kể đến như công nghệ, dầu khí, tài nguyên cơ bản, hàng cá nhân gia dụng, tiện ích…




Nguồn: FiinProX, SHS

Nguồn: FiinProX, SHS

Không chỉ SHS, một số đơn vị phân tích đưa ra kịch bản triển vọng nhưng vẫn dự phóng mức hỗ trợ của VN-Index năm nay rất thấp, nổi bật là Chứng khoán An Bình (ABS) hay Chứng khoán Tiên Phong (TPS) khi cho rằng thị trường vẫn có thể xuống quanh 1.080-1.198 điểm ở kịch bản tích cực.

Trong đó, ABS cảnh báo mặc dù thị trường tăng điểm, dòng tiền vào chứng khoán vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường tài sản khác với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, vàng vẫn còn nhiều cơ hội, lãi suất tiết kiệm tăng, sức ép từ tỷ giá dâng lên. Còn TPS lưu ý thị trường chứng khoán đang thiếu đi động lực và dòng tiền cần một ngành có triển vọng để giải ngân.

Tất Đạt

Cổ phiếu Yeah1 tăng kịch trần khi đêm nhạc ‘Anh trai’ hết vé trong 40 phút

Mã YEG của Yeah1 tăng hết biên độ sau thông tin vé đêm nhạc (concert) “Anh trai vượt ngàn chông gai” 2 đêm bán hết trong 40 phút.

Trong buổi sáng, cổ phiếu YEG tăng giảm đan xen, có lúc về dưới tham chiếu nhưng phần lớn thời gian giao dịch đều giữ sắc xanh. Từ cuối buổi sáng, mã này tăng dựng đứng và chính thức nâng lên giá trần vào đầu giờ chiều. Sắc tím được giữ đến lúc đóng cửa, nâng thị giá lên 15.100 đồng một đơn vị.

Thanh khoản ghi nhận hơn 45,3 tỷ đồng, tương đương gần 3,1 triệu cổ phiếu được sang tay. Mức này cao hơn 58% so với trung bình một năm qua. Hơn 57% khớp lệnh đến từ bên mua chủ động.




Nhà đầu tư đang theo dõi biến biến thị giá cổ phiếu YEG hôm 21/1. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi biến biến thị giá cổ phiếu YEG hôm 21/1. Ảnh: Tất Đạt

Diễn biến trên được ghi nhận ngay sau thông tin đêm nhạc “Anh trai vượt ngàn chông gai” diễn ra trong hai ngày cuối tháng 3 tại TP HCM bán hết vé lần lượt trong 30 và 40 phút. Đây là đêm thứ 3 và 4, concert này được tổ chức.

Yeah1 là doanh nghiệp nắm bản quyền và sản xuất hai chương trình truyền hình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Chị đẹp đạp gió”, phát sóng lần lượt từ cuối tháng 6 tới nay. Thị giá YEG khởi sắc từ khi họ lần đầu tổ chức concert cho show “Anh trai” tại TP HCM với quy mô khoảng 20.000 người hồi giữa tháng 10/2024. Sau đó, concert đêm thứ hai diễn ra tại Hưng Yên cũng thu hút hàng chục nghìn khán giả.

Từ đó đến nay, giá cổ phiếu của Yeah1 đã tăng thêm 48%. Tuy nhiên trong những ngày cuối năm 2024, mã này có nhiều phiên nằm sàn, gây thua lỗ cho nhà đầu tư mua đuổi.

Năm nay, Yeah1 còn tổ chức thêm concert cho “Chị đẹp”, dự kiến vào tháng 3. Tuy nhiên sau đó họ sẽ tạm dừng sản xuất hai show này để dồn lực cho chương trình mới là “Haha nông dân” và “Show it all”.

YEG là một trong 6 cổ phiếu tăng trần trên sàn HoSE. Hôm nay chứng khoán mở cửa trong sắc xanh nhưng từ cuối buổi sáng đã bị nhuộm đỏ và đi dưới tham chiếu đến cuối phiên. VN-Index đóng cửa ở trên 1.246 điểm, giảm gần 3,5 điểm so với hôm qua.

Thanh khoản tăng gần 1.500 tỷ lên mức khoảng 11.500 tỷ đồng. Dòng tiền tham gia mạnh hơn trong buổi chiều – khoảng thời gian chứng khoán giảm điểm.

Khối ngoại bán ròng ở phiên thứ 11, ghi nhận giá trị khoảng 166 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là phiên thứ 3 liên tiếp lực xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt.

Tất Đạt

Khối ngoại chưa dứt đà bán ròng

Nhà đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng xả hàng ở phiên thứ 12 liên tiếp khi hôm nay chứng khoán tiếp tục giảm thêm hơn 3 điểm.

Khối ngoại hôm nay mua vào hơn 900 tỷ đồng trên sàn HoSE, cổ phiếu được chú ý nhất là LPB. Trong khi đó, nhóm này bán ra hơn 1.150 tỷ đồng với lực bán rải khá đều cho GMD, FRT, FPT…

Tổng lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 249 tỷ đồng, gấp rưỡi hôm qua. Đây là phiên thứ 12 liên tiếp, khối ngoại ưu tiên xả cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm này đã bán ròng khoảng 7.029 tỷ đồng.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đi theo chiều hướng xấu trong phiên chứng khoán rung lắc. VN-Index trồi sụt nhiều lần, mức cao nhất ghi nhận tăng hơn 3 điểm, trong khi có lúc về sát 1.242 điểm.

Từ sau 14h, chỉ số này chính thức bị nhuộm đỏ. VN-Index đóng cửa trên 1.242,5 điểm, giảm hơn 3 điểm so với hôm qua.

Sàn HoSE có 311 cổ phiếu sụt giá, nhiều hơn hẳn 127 cổ phiếu tăng. Nhóm tài nguyên, bảo hiểm, hóa chất có chỉ số ngành giảm mạnh nhất. Nếu tính riêng nhóm hút dòng tiền, các mã bất động sản và chứng khoán có diễn biến tiêu cực hơn so với ngân hàng.

Trong phiên điểm số đi lùi, thanh khoản lại cải thiện khoảng 550 tỷ so với hôm qua. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE ghi nhận trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chuộng đứng ngoài quan sát khi kỳ nghỉ Tết đang đến gần.




Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường rung lắc hôm nay trước áp lực bán hạ margin của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ Tết. Mặt khác, dòng tiền suy yếu còn đến từ lo ngại các diễn biến bất thường trên thị trường thế giới có thể phát sinh trong thời gian nghỉ lễ không giao dịch.

Nhóm phân tích VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể thực hiện hóa một phần lợi nhuận để lấy sức mua và cân nhắc giải ngân trở lại đón sóng hồi phục của thị trường sau Tết. Trọng tâm là các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhưng đã điều chỉnh sâu trong những phiên trước kỳ nghỉ.

Tất Đạt