Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng gần 3.500 tỷ đồng trong tuần đầu giao dịch không ký quỹ

Bỏ quy định phải ký quỹ 100% trước khi mua cổ phiếu từ tuần này nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 3.500 tỷ đồng.

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho thấy trong tuần 4-8/11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào gần 5.712 tỷ đồng và bán ra khoảng 9.182 tỷ đồng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán âm khoảng 3.469 tỷ đồng. Suốt tuần qua, khối ngoại bán ròng liên tục và đã là tuần thứ 7 liên tiếp. Họ tập trung xả hàng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN hay VHM.

Khối ngoại duy trì xu hướng rút vốn dù đây là tuần đầu tiên Thông tư số 68/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực. Thông tư này quy định nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không cần có đủ tiền (non pre-funding) khi đặt lệnh như trước đây.

Theo Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), khối ngoại bán ròng trong bối cảnh áp lực tỷ giá tăng cao ở tuần Tổng thống Donald Trump tái đắc cử – nguyên nhân giúp đồng USD lên cao.

Nhìn lại từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ ưu tiên gom hàng duy nhất trong tháng 1. Còn lại, họ đã bán ròng liên tiếp từ tháng 2 tới nay với giá trị lũy kế gần 80.000 tỷ đồng, tức khoảng 3 tỷ USD. Xu hướng rút vốn hạ nhiệt trong tháng 8-9 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 10.

Tại diễn đàn đầu tư mới đây, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Đầu tư Dragon Capital – nói có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, không chỉ ở năm nay mà đã 3-4 năm qua. Thứ nhất, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Theo chuyên gia, nếu kéo dài tình trạng này, các quỹ đầu tư bị động sẽ sớm rời đi.

Thứ hai, tỷ lệ chiết khấu về định giá của thị trường cận biên hiện tại so với thị trường Mỹ khoảng 31-35%, so với mức bình quân trong quá khứ khoảng 25%. Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang thích thị trường Mỹ hơn, khiến dòng vốn có xu hướng rút ra.

Ông Tuấn cũng đề cập đến việc nhà đầu tư nước ngoài dán nhãn thị trường chứng khoán Việt Nam giống Trung Quốc, mà những thị trường giống Trung Quốc có mức rút vốn rất mạnh trong giai đoạn 3-5 năm vừa qua. Chuyên gia cho rằng cần thêm thời gian để khối ngoại thay đổi quan điểm này.




Nhà đầu tư quan sát bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư quan sát bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Trong bối cảnh đà bán ròng của khối ngoại tại hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đi kèm áp lực cung vẫn khá chủ động, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng và chờ tín hiệu cung cầu rõ nét hơn của VN-Index trong vùng thăm dò 1.250-1.260 điểm. Tín hiệu cung cầu này sẽ có tác động đến bước đi tiếp theo của thị trường.

“Nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát để đánh giá trạng thái của thị trường. Hiện tại, độ ổn định thấp và rủi ro tiềm ẩn nên cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua”, VDSC đưa ra lời khuyên.

Dự báo trong ngắn hạn, nhóm phân tích CSI nhận thấy tín hiệu tích cực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa hạ lãi suất thêm 0,25%. Đây là đợt cắt giảm thứ hai liên tiếp của chu kỳ nới lỏng. Do đó, họ dự đoán áp lực tỷ giá phần nào khó tăng mạnh trong các tuần tới và kỳ vọng điều này sẽ giúp khối ngoại giảm tốc độ bán ròng.

Tuy chưa tạo ra bước ngoặt tức thời, việc bỏ quy định bắt buộc ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài được các bên đánh giá tích cực, tạo tiền đề cho chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Trong buổi làm việc mới đây với Ủy ban Chứng khoán (SSC), ông Young Lee – Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á của Morgan Stanley – cho rằng những quy định mới tại Thông tư số 68/2024 đã giúp thị trường Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.

Đại diện Morgan Stanley cho rằng chứng khoán Việt Nam khi nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng, các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Tất Đạt

Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản ghìm chỉ số VN-Index

VN-Index giảm hơn 7 điểm, trong phiên có lúc về sát 1.250 điểm khi các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tạo áp lực lớn.

Chứng khoán khởi động với sắc xanh nhưng tăng không quá mạnh khi thanh khoản dè chừng. Chỉ một tiếng sau đó, thị trường bị kéo về dưới tham chiếu khi các lệnh bán ra xuất hiện dày đặc.




Nhà đầu tư đang theo dõi bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Sang buổi chiều, chỉ số của sàn HoSE rung lắc mạnh hơn, có lúc về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Cải thiện nhẹ những phút cuối phiên, VN-Index đóng cửa trên 1.252 điểm, giảm hơn 7 điểm. Tính theo tuần, chứng khoán đã giảm hơn 2 điểm.

Toàn sàn có 254 cổ phiếu giảm, nhiều gấp đôi so với số lượng 125 cổ phiếu tăng. Trong đó, bất động sản và ngân hàng ảnh hưởng nặng nề nhất tới chỉ số chung.

VHM giảm 3,4% với thanh khoản dẫn đầu thị trường gần 915 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index. Ngoài ra, DXG cũng điều chỉnh 3,3%. Bảng điện ngành bất động sản còn ghi nhận thêm các mã DIG, PDR, IDC, VIC, HDG, CEO, NTL… giảm trên 1%.

Sắc đỏ cũng chiếm phần lớn bảng điện ngành ngân hàng. Loạt cổ phiếu VPB, TCB, ACB, MBB, VIB, CTG, TPB, VCB, EIB, OCB, LPB… cùng sụt trên dưới 1%. Biên độ giảm không quá sâu nhưng với vốn hóa lớn, nhiều mã trong nhóm kể trên cũng góp mặt trong danh sách cổ phiếu gây ảnh hưởng xấu cho thị trường.

Thanh khoản sàn TP HCM hôm nay tăng nhẹ hơn 1.400 tỷ, lên trên 13.900 tỷ đồng. Dòng tiền đổ về chủ yếu sau 14h, trước đó, thị trường giao dịch rất trầm lắng.

Khối ngoại bán ròng hơn 1.160 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng. Đây cũng là phiên thứ 12, nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên rút vốn. Tâm điểm hôm nay nằm ở CMG, VHM và MSN.

Như vậy chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi ngược chiều so với Mỹ. Kết phiên 7/11, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng thiết lập đỉnh cao mới, nối dài đà tăng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống và quyết định cắt thêm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), diễn biến trên do áp lực bán gia tăng chiếm ưu thế trong khi dòng tiền bắt đáy chưa có sự tham gia quyết liệt. Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục chốt lời ngắn hạn khi đã đạt mục tiêu và có thể cân nhắc, chọn lọc những cổ phiếu có vận động đi lên với dòng tiền tham gia mạnh. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên duy trì tỷ trọng vừa phải và hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao, đồng thời chủ động theo dõi diến biến thị trường để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục.

Tất Đạt

Chứng khoán đột ngột giảm những phút cuối phiên

Sau khi giữ sắc xanh cả ngày, VN-Index bất ngờ đảo chiều trước phiên ATC khi các cổ phiếu trụ lần lượt trượt giá, đẩy chỉ số giảm 1,5 điểm.

Tiếp đà hưng phấn hôm qua, chứng khoán mở cửa tăng hơn 5 điểm với lực cầu khá tốt. Thị trường sau đó điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn trên tham chiếu, dao động quanh 1.263-1.266 điểm cho đến hết buổi sáng.

Sắc xanh kéo dài sang buổi chiều. Nửa đầu buổi, chỉ số của sàn HoSE tiếp tục đi quanh vùng giá tương tự. Tuy nhiên, dòng tiền có dấu hiệu đuối sức so với hôm qua. Từ 14h, chỉ số này đi ngang và vào đà giảm, rơi về dưới tham chiếu sau 20 phút. Ở phiên ATC, thị trường ghi nhận lực bán khá mạnh. VN-Index đóng cửa ở 1.259,75 điểm, sụt hơn 1,5 điểm so với phiên trước.

Toàn sàn HoSE có 193 cổ phiếu giảm, không quá cách biệt so với số lượng 165 mã tăng. Trong khi đó, rổ VN30 ghi nhận 20 mã đi lùi và chỉ số đại diện cũng rơi gần 3 điểm. Điều này cho thấy thị trường điều chỉnh phần lớn do nhóm cổ phiếu trụ.

Hai mã ngân hàng BID và CTG gây tác động xấu nhất tới VN-Index. Theo sau còn có các mã khác như GVR, MSN, VPB, VHM… Tuy nhiên nhìn chung mức giảm thị giá của các cổ phiếu không quá sâu, chỉ quanh 1% hoặc thấp hơn.

Dẫu vậy, thị trường vẫn ghi nhận 9 cổ phiếu tăng kịch trần, nổi bật nhất là VTP. Cổ phiếu của Viettel Post hôm nay tăng lên 102.100 đồng. Thời gian gần đây, thị giá mã này có nhịp tích lũy tốt khi đã tăng 33,5% trong khoảng một tháng qua.

Ở phiên thị trường điều chỉnh, thanh khoản sàn HoSE cũng đi lùi. Tổng giá trị giao dịch giảm hơn 1.700 tỷ về quanh 12.500 tỷ đồng. Khối ngọai tiếp tục bán ròng hơn 390 tỷ đồng, phiên thứ 11 liên tiếp.

Tình trạng “gãy gánh” những phút cuối phiên cũng được ghi nhận ở sàn HNX. Hôm nay chỉ số đại diện thị trường Hà Nội giảm gần 0,3 điểm. Còn diễn biến tiêu cực xuất hiện sớm hơn ở UPCoM khi chỉ số đỏ sắc chỉ sau 30 phút đầu và kéo dài đến kết phiên.

Thị trường Việt Nam đang ngược chiều so với chứng khoán Mỹ. Chốt phiên giao dịch 6/11, chỉ số DJIA và S&P 500 đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất 2 năm. Riêng DJIA tăng 3,5% lên kỷ lục 1.508 điểm.

Diễn biến trên một phần đến từ tâm lý dè chừng của nhà đầu tư trước áp lực tỷ giá. Hôm nay tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước nâng thêm 25 đồng, lên mức 24.283 đồng đổi một USD, mức cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được áp dụng từ đầu năm 2016.




Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời ngắn hạn với các cổ phiếu đã đạt mục tiêu và cho tín hiệu suy yếu tại vùng đỉnh hoặc kháng cự. Đồng thời, nhà đầu tư không nên giải ngân mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng 15 điểm

Lực mua chủ động tăng nhanh giúp một số mã lên kịch trần, VN-Index có thêm 15 điểm sau phiên 6/11, trở lại ngưỡng 1.260 điểm.

Chứng khoán mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh, cùng chiều với các thị trường tài chính khác. Các kênh đầu tư theo khuynh hướng rủi ro như chứng khoán, tiền số, đồng loạt khởi sắc theo xu hướng “Trump trade”, tức mua bán theo hướng đặt cược ông Donald Trump sẽ đắc cử. Diễn biến cũng tương đồng cho thị trường Việt Nam hôm nay, khi VN-Index tăng liên tục từ khi mở cửa.

Chỉ số của sàn HoSE vượt 1.250 điểm sau ATO, đi ngang tới giữa phiên sáng rồi tiếp tục nới rộng đà tăng. Các nhóm cổ phiếu trụ, như ngân hàng, bất động sản, đồng loạt giữ sắc xanh.

Lực mua chủ động cũng đẩy giá nhiều cổ phiếu nhóm mid-cap, penny vượt xa tham chiếu. Một số mã bất động sản khu công nghiệp tăng kịch trần, trước kỳ vọng về khả năng chuyển dịch dòng vốn đầu tư.

Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.261,28 điểm, tăng 15,52 điểm (1,25%). VN30-Index có thêm 16,2 điểm (1,23%), đạt 1.329,56 điểm. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trên tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 15.800 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 14.100 tỷ, tăng hơn 3.700 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn bán ròng, quy mô hơn 380 tỷ đồng, phiên thứ 10 liên tiếp.

Cuối phiên, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, với sàn HoSE có 312 cổ phiếu tăng giá so với 61 mã giảm.




Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

GVR là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,6 điểm khi mã này tăng hơn 5%, lên 33.750 đồng. Ngược lại, HVN là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm còn 22.550 đồng.

Trong nhóm vốn hóa lớn, toàn bộ 30 mã VN30 chốt phiên trên tham chiếu. Ngoài GVR, các mã nhóm ngân hàng, bất động sản, thép giao dịch tích cực. GVR, CTG, TPB tăng trên 2%, TCB, HPG, STB, VRE, MBB tăng 1,6-1,9%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, một số cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng vọt nhờ kỳ vọng chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Trong đó, KBC ở trạng thái “trắng bảng bên bán”, với thanh khoản hơn 20 triệu cổ phiếu được sang tay. VGC của Viglacera cũng tăng kịch trần.

Minh Sơn

Việt Nam có hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán

Số lượng tài khoản trên thị trường chứng khoán vượt 9 triệu, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, thị trường ghi nhận gần 157.000 tài khoản mở mới trong một tháng. Số này góp phần đưa tổng lượng tài khoản trong thị trường lên 9 triệu.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 8,9 triệu tài khoản, tăng khoảng 156.500 tài khoản. Lũy kế 10 tháng, số tài khoản của nhóm này tăng 1,73 triệu, tức mỗi tháng bình quân có 173.000 tài khoản mở mới.

Thị trường mất 4 tháng để tăng từ 8 triệu lên mốc 9 triệu tài khoản. Tốc độ mở mới ngang với giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022 – lúc thị trường vào xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài.

Tuy nhiên, chứng khoán hiện nay kém tích cực hơn. Giai đoạn trước, chỉ số VN-Index tăng mạnh lên vùng giá 1.500 điểm, thanh khoản “bùng nổ” khi thường xuyên ghi nhận trên tỷ USD, có phiên vượt 40.000 tỷ đồng. Còn thời điểm này, chứng khoán quẩn quanh 1.250-1.270 điểm, thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng suốt gần 5 tháng qua.




Nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Tại báo cáo mới đây của Chứng khoán Shinhan (SSV), nhóm phân tích cho rằng chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cùng với áp lực bán từ khối ngoại khiến thị trường diễn biến không tích cực trong tháng 10. Thanh khoản sụt giảm và các cổ phiếu bluechip bị bán ròng.

Trước đó, SGI Capital – công ty quản lý quỹ The Ballad Fund – nhận xét các thông tin tốt về vĩ mô không còn tác động tích cực lên dòng tiền trong thị trường. Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng mỗi khi VN-Index tiệm cận vùng 1.300 điểm. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sang bất động sản trong hai quý gần đây khiến dòng tiền của nhà đầu tư rút khỏi chứng khoán để qua kênh này.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhìn nhận thanh khoản tháng 10 đã cải thiện, với tổng giá trị giao dịch tăng gần 30% so với tháng trước. Họ dự đoán thị trường tháng 11 có thể tiếp tục xu hướng đi ngang nhưng dần tiến về vùng 1.300 điểm.

Còn Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nêu quan điểm hiện tại là vùng giá tương đối hợp lý, mở ra các vị thế mua lướt và tích lũy cổ phiếu tốt. Họ khuyên nhà đầu tư có tỷ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.

Tất Đạt

Thanh khoản chứng khoán giảm mạnh

Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE giảm 4.900 tỷ so với hôm qua, đạt gần 11.000 tỷ, mức thấp thứ nhì trong gần hai tháng qua khi chứng khoán có phiên “ru ngủ” nhà đầu tư.

VN-Index hôm nay dao động rất hẹp, chỉ quanh 4 điểm so với tham chiếu. Mở cửa, chỉ số này tăng nhẹ nhưng lực cầu xuất hiện lác đác. Chưa đầy một tiếng, chỉ số đã rơi về sắc đỏ sau đó rung lắc luân phiên giữa hai màu. Bên mua – bán giằng co qua lại mà không ghi nhận bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối hay nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt thị trường. Thanh khoản cũng rơi mạnh so với cùng kỳ hôm qua.

Chứng khoán đi dưới tham chiếu trước giờ nghỉ trưa và vài phút đầu giờ chiều. Lực cầu cải thiện hơn từ 13h15 giúp chỉ số đại diện sàn HoSE giữ vững sắc xanh và tăng lên mức cao nhất sát 1.249 điểm. Đây cũng là điểm nhấn duy nhất trong phiên giao dịch “ru ngủ” nhà đầu tư. Sau đó, chỉ số này hạ độ cao khi lực cầu dần rút lui, dòng tiền tham gia thị trường yếu hơn hẳn.

VN-Index đóng cửa ngày tiệm cận 1.245,8 điểm, tích lũy thêm hơn 1 điểm so với hôm qua.

Thị trường thể hiện rõ sự không đồng thuận khi có 187 mã tăng, không quá cách biệt so với 168 mã giảm. Ngay cả diễn biến ở từng cổ phiếu cũng cho thấy đây là phiên giao dịch ảm đạm khi biên độ biến động của từng mã chứng khoán không vượt quá xa so với tham chiếu.

Xét theo ngành, các nhóm viễn thông, du lịch – giải trí, ôtô, hóa chất có hiệu suất tốt nhất nhưng chủ yếu nhờ một số mã chủ đạo của ngành. Còn các cổ phiếu hút dòng tiền, vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng hay chứng khoán lại cho thấy xu hướng xấu, phân hóa sâu sắc.

Thanh khoản sàn HoSE thấp hơn 4.900 tỷ so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 11.000 tỷ đồng, là mức thấp thứ nhì trong gần hai tháng qua. Khối ngoại kéo dài chuỗi bán ròng lên phiên thứ 9. Hôm nay họ bán ròng hơn 850 tỷ đồng, tập trung vào MSN và VHM.

Nhìn chung cả phiên, dòng tiền tham gia thị trường nhỏ giọt, thể hiện rõ tâm lý thăm dò và thận trọng của nhà đầu tư. Điều này dễ hiểu khi hôm nay là ngày bầu cử tổng thống Mỹ và chứng khoán cũng đã trải qua thời gian dài diễn biến lình xình, thiếu vắng động lực dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu trụ.

Trong bản tin điểm lại thị trường hôm qua, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng về ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là nhóm ngân hàng. Trong khi đó, các nhóm mã vốn hóa trung bình đã chịu áp lực điều chỉnh từ trước, nên đến nay đã khá cân bằng, dần phân hóa phục hồi.

Diễn biến không phân định xu hướng rõ nét cũng được ghi nhận ở sàn HNX và UPCoM. Cả hai đóng cửa trên tham chiếu nhưng số lượng cổ phiếu tăng và giảm không quá cách biệt và không xuất hiện nhóm dẫn dắt thị trường.

Tất Đạt

Kịch bản giá vàng và chứng khoán sau kỳ bầu cử Mỹ

Sau bầu cử Mỹ, vàng được dự đoán theo xu hướng tăng vì rủi ro địa chính trị, còn chứng khoán cần thêm 2-3 năm để phản ánh rõ nét.

Với vai trò then chốt của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu, cùng những bất ổn địa chính trị hiện nay, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được nhiều người xem là một bước ngoặt với những tác động sâu rộng. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư đang quan tâm cuộc đua vào Nhà Trắng ảnh hưởng thế nào tới các kênh đầu tư, nhất là vàng và chứng khoán.

Giá vàng sẽ có xu hướng tăng dù ai đắc cử

Bài phân tích gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) chỉ ra trong lịch sử, các cuộc bầu cử Mỹ không có ảnh hưởng đáng kể hoặc ngay lập tức đến giá vàng thế giới.

Dẫu vậy, bất kể ứng cử viên chiến thắng là ai, rủi ro địa chính trị ngắn hạn vẫn tăng cao. Điều này khiến các nhà đầu tư cảm nhận sự cần thiết phải phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư của họ và có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho kim loại quý tăng.




Ngân hàng bán vàng ở Hà Nội, ngày 3/6. Ảnh: Giang Huy

Ngân hàng bán vàng ở Hà Nội, ngày 3/6. Ảnh: Giang Huy

Hội đồng Vàng thế giới nhấn mạnh, yếu tố quan trọng không nằm ở việc đảng nào có ứng cử viên giành chiến thắng vì lịch sử không ghi nhận tác động nhất quán của việc này đến giá vàng. Thay vào đó, mấu chốt nằm ở các chính sách kinh tế tài khóa và tiền tệ mà tổng thống tương lai đưa ra phù hợp như thế nào với đặc tính của kênh tài sản này. Giá vàng còn phản ứng với các động lực chính là hướng đi của đồng đôla, lãi suất hoặc nhận thức của thị trường về các rủi ro.

Điều này được chứng minh bằng thực tế là diễn biến giá vàng không có sự đồng nhất trong các nhiệm kỳ của một đảng.

Trang thống kê dữ liệu tài chính Visual Capitalist chỉ ra, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush của đảng Cộng hòa, vàng giảm 19%, nhưng đến nhiệm kỳ của George W. Bush, giá lại tăng tới 215%. Tương tự, giai đoạn ông Bill Clinton của đảng Dân chủ làm tổng thống, kim loại quý sụt 20%, rồi đến thời của ông Barack Obama, giá vẫn tích lũy thêm 44%.

Tương tự, trong báo cáo của Elara Capital, quỹ đầu tư có kinh nghiệm về vàng hơn 10 năm qua, giá có thể vẫn ở mức cao bất kể ai giành chiến thắng. Họ dự báo vàng tăng 10% trong 12 tháng tới, nhưng nhấn mạnh các yếu tố kích thích sẽ là nguy cơ thâm hụt tài khóa lớn của Mỹ và diễn biến của lợi suất USD.

Từ góc độ kỹ thuật, nhóm chuyên gia của cổng thông tin tài chính FXEmpire lưu ý rằng thị trường vàng đang ở giao điểm của ngưỡng kháng cự dài hạn quan trọng. Tuy có xu hướng tăng, giá vẫn có thể trải qua đợt điều chỉnh đáng kể trước khi tiếp tục kỷ lục mới. Mức kháng cự mạnh trên thị trường vàng là 2.800-3.000 USD.

Với giá vàng Việt Nam, kết quả bầu cử Mỹ tác động như thế nào? Trước hết cần hiểu rằng ở thị trường trong nước, giá vàng có sự phân tách rõ rệt giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn 24K.

Giá vàng nhẫn thường đi song song với diễn biến trên thị trường thế giới. Do đó, nó có xu hướng chạy theo chính sách của mỗi thời kỳ Tổng thống Mỹ cũng như tùy thuộc vào hướng đi của đồng đôla, lãi suất hoặc nhận thức về các rủi ro của nhà đầu tư. Sự khác biệt phần lớn nằm ở độ trễ.

Còn với vàng SJC, giá kim loại quý này trước nay thường có xu hướng không đồng nhất với thị trường thế giới và duy trì khoảng cách đáng kể so với vàng nhẫn trơn, có lúc lên tới gần 20 triệu đồng mỗi lượng.

Các chuyên gia nhận định đây là thị trường đặc biệt, bởi nguồn cầu tăng liên tục nhưng nguồn cung đứng im suốt nhiều năm. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dù là thương hiệu độc quyền, họ cũng không được chủ động sản xuất vàng miếng mà phải phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Do đó, kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ có tác động rất ít tới mặt hàng này.

Từ đầu tháng 6 tới nay, giá vàng SJC nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. So với trước, giá hạ nhiệt hơn hẳn và có lúc còn đi dưới vàng nhẫn trơn. Diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào ý chí và động thái của cơ quan quản lý.

Chứng khoán cần 2-3 năm để xác định xu hướng

Lấy S&P 500 làm chỉ số tham chiếu, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) phân tích số liệu thống kê 20 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất từ 1944-2020. Nhóm phân tích này nhận thấy diễn biến thị trường sau ngày kết thúc bầu cử có sự phân hóa giữa kết quả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chiến thắng.

Cụ thể khi đảng Dân chủ đắc cử, trung bình thị trường chứng khoán tăng 3,8% sau 3 tháng, tăng 8% sau 6 tháng và tăng 17% sau một năm. Với trường hợp đảng Cộng hòa đắc cử, trung bình thị trường chứng khoán tăng 0,37% sau 10 ngày, tăng 1,52% sau một tháng và 2,17% sau 3 tháng. Nhưng nếu nhìn rộng ra nửa năm, biên độ chỉ tăng 1,59% và tăng 0,83% sau một năm.

“Thị trường chứng khoán cần thời gian thẩm thấu các chính sách dưới thời tổng thống mới. Vì vậy thị trường sẽ phản ánh rõ nét hơn các chính sách vào năm thứ 2 và 3”, báo cáo của MASVN nêu.

Nếu soi chiếu vào thị trường Việt Nam, dữ liệu lịch sử chỉ ra trong bốn đợt chạy đua vào Nhà trắng gần nhất, chỉ duy nhất đợt ông Barack Omaba lần đầu làm tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam có xu hướng giảm. Còn lại ở ba đợt bầu cử sau này, kể cả lần ông Obama tái đắc cử, VN-Index đều có xu hướng tăng. Diễn biến trên khá khớp với sự vận động của S&P 500.

MASVN cho rằng với thị trường chứng khoán Việt Nam, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, chứng khoán trong nước thường được cho là tương quan cùng chiều với chứng khoán Mỹ. Độ tương quan giữa S&P 500 và VN-Index trong tháng gần nhất là 27% và trong quý gần nhất là 76% nên diễn biến chứng khoán Mỹ dự báo tác động đáng kể đến chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Dẫu vậy, theo quan sát của ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) – trong giai đoạn vừa rồi có sự phân hóa rõ khi các chỉ số đại diện thị trường Mỹ như Dow Jones hay S&P 500 liên tục vượt đỉnh, ngược lại VN-Index khó lập mặt bằng trên 1.300 điểm. Nguyên nhân là có sự khác biệt giữa thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam hiện tại.

Về mặt cơ cấu, chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhóm cổ phiếu công nghệ. Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đã kéo những cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip tăng mạnh mẽ, qua đó nâng S&P 500 hay Nasdaq liên tục lên những kỷ lục mới. Thêm vào đó, câu chuyện bầu cử Mỹ cũng khiến thị trường nước này tăng mạnh mẽ thời gian qua.

Còn với thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đang chịu chi phối bởi nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Xét riêng nhóm vốn hóa lớn thuộc ba ngành kể trên, ngân hàng có hiệu suất tốt trong thời gian qua, các mã bất động sản đi xuống. Còn các mã vốn hóa vừa của cả ba lại điều chỉnh và đi ngang. Tuy nhiên gần đây cổ phiếu ngân hàng chững lại đã khiến VN-Index chậm đi.

Ông Sơn nhấn mạnh cấu phần của hai thị trường khác nhau đã cho hai kết quả lệch nhau. Chuyên gia VPBankS dự báo để thị trường vượt 1.300 điểm, thanh khoản phải tăng ở mức rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng. Còn hiện tại, con số thống kê chỉ quanh 16.000-17.000 tỷ đồng, thanh khoản có dấu hiệu giảm sang tháng thứ ba liên tiếp.

“Nhà đầu tư có thể chờ xu hướng thị trường rõ ràng hơn để có quyết định đầu tư hợp lý. Vùng hỗ trợ của thị trường ngắn hạn đang ở mốc 1.180-1.205 điểm”, ông Trần Hoàng Sơn đưa ra khuyến nghị.

Tất Đạt

Chứng khoán đỏ lửa vì cổ phiếu ngân hàng

VN-Index chốt phiên 4/11 giảm hơn 10 điểm, mất mốc 1.250 điểm khi nhiều mã ngân hàng giảm sâu.

Chứng khoán mở cửa tuần này trong sắc đỏ. Tâm lý thị trường vẫn giữ trạng thái thận trọng, do khoảng trống thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý III không đạt kỳ vọng, trong khi bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.

VN-Index đi ngang khoảng 30 phút đầu phiên sau ATO, rồi liên tục giảm. Chỉ số của sàn HoSE bị kéo về dưới ngưỡng 1.250 điểm vào giữa phiên sáng, với áp lực chính từ nhóm ngân hàng – nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa. Nhà đầu tư bi quan với triển vọng ngắn hạn, dẫn tới lực bán ngày càng tăng. Sắc đỏ dần lan rộng theo thời gian giao dịch, khiến nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng chịu áp lực bán ra.

Sang phiên chiều, biên độ giảm có phần mạnh hơn. Điểm tích cực là lực cầu ở vùng giá thấp giúp thị trường không giảm mạnh. Tuy nhiên, bên mua chỉ đỡ khi giá giảm sâu, không nỗ lực đẩy giá khiến xu hướng giảm không thay đổi.

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.244,71 điểm, giảm hơn 10 điểm (0,81%) so với phiên trước. VN30-Index giảm gần 13 điểm (0,98%), còn 1.312,64 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 15.800 tỷ, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục bán ròng gần 673 tỷ đồng, phiên thứ 8 liên tiếp.

Sàn HoSE cuối phiên bị chi phối bởi sắc đỏ, với 93 cổ phiếu tăng giá so với 287 mã giảm giá.

REE là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,23 điểm khi mã này tăng lên 64.000 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 1%.

Trong VN30, ngân hàng cũng đứng đầu nhóm giảm. TPB mất gần 3%, VPB giảm 2,2%, HDB, VIB thấp hơn tham chiếu gần 2%. SSB, VCB, TCB, SHB, MBB, ACB đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, BVH, SAB, SSI vượt nhẹ trên tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu chứng khoán là cái tên được chú ý nhờ đà phục hồi cuối phiên. Nhiều mã nhóm này bất ngờ tăng vọt trong nửa sau phiên chiều dù thị trường giữ ở vùng giá thấp.

Minh Sơn

Nhóm bluechip kéo chứng khoán giảm gần 10 điểm

25 mã trong rổ VN30 đỏ sắc gây áp lực lớn cho VN-Index khiến chỉ số này giảm gần 10 điểm khi chốt phiên hôm nay.

Đồ thị VN-Index gần như đi dưới tham chiếu cả ngày. Trong buổi sáng, thị trường giao dịch khá trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, không xuất hiện cổ phiếu mang tính dẫn dắt xu hướng. Tuy bên bán chiếm ưu thế hơn nhưng nguồn cung giá rẻ không nhiều nên chứng khoán giảm không sâu.

Gần giờ nghỉ trưa, chỉ số của sàn HoSE mới nới rộng biên độ dưới tham chiếu. Sang chiều, thị trường chịu áp lực nặng hơn, có lúc cách giá mở cửa hơn 10 điểm.

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa ở dưới 1.255 điểm, sụt 9,6 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có khoảng hai phần ba cổ phiếu giảm giá, tức 289 mã. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu giữ sắc xanh chỉ 86 mã. Xu hướng điều chỉnh lan rộng khắp thị trường khi trừ bảo hiểm, các nhóm khác đều có chỉ số ngành đi lùi, nhất là hóa chất, bán lẻ, dịch vụ tài chính. Tuy nhiên nhìn chung, biên độ giảm giá không nhiều.

VN-Index mất điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu trụ. Rổ VN30 ghi nhận 25 mã giảm và chỉ số đại diện cũng sụt gần 13 điểm. MSN là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất thị trường, theo sau còn có GVR, VPB, MBB, HPG hay ACB.

Trong phiên chứng khoán đi lùi, thanh khoản sàn HoSE cũng diễn biến cùng chiều. Tổng giá trị giao dịch ghi nhận gần 14.800 tỷ đồng, sụt khoảng 3.200 tỷ so với hôm qua.

Đã gần một tháng, thị trường TP HCM chưa hút nổi dòng tiền quá 20.000 tỷ đồng mỗi ngày. Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng để xu hướng ngắn hạn cải thiện, VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự 1.270 điểm với khối lượng gia tăng tích cực.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 300 tỷ đồng, tâm điểm vẫn là MSN. Cổ phiếu Masan hôm nay chịu ảnh hưởng bởi thông tin SK Group bán 76 triệu cổ phần và không còn là cổ đông lớn. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận thêm hai mã bị bán ròng trăm tỷ là VHM và KDC.

Sắc đỏ hôm nay cũng xuất hiện ở sàn HNX và UPCoM. Ở sàn Hà Nội, các cổ phiếu trụ của họ cũng ảnh hưởng lớn tới chỉ số chung như SHS, MBS, CEO…

Tất Đạt

Huỷ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu của chị dâu Chủ tịch VIB

HoSE vừa huỷ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ – chị dâu Chủ tịch HĐQT nhà băng này vì không báo cáo.

Thông báo này được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) phát đi tối 1/11 căn cứ theo kết quả giám sát và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

HoSE cho biết giao dịch bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ – người có liên quan Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ – đã bị loại bỏ. Lý do là bà Huệ không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch.

Theo quy định hiện hành, người nội bộ và người có liên quan của doanh nghiệp phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc. Tại báo cáo quản trị của nhà băng này, bà Huệ được ghi nhận là chị dâu của ông Đặng Khắc Vỹ.

Tuy nhiên, đến 11h36 ngày 1/11, VIB mới công bố thông tin về việc bà Lê Thị Huệ dự kiến bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu với thời gian giao dịch dự kiến từ 6/11-5/12. Nếu hoàn tất, bà Huệ sẽ không còn sở hữu cổ phiếu VIB nào.

Trước phiên giao dịch hôm 31/10, cổ phiếu VIB tăng 2 ngày liên tiếp với biên độ lần lượt 2,74% và 1,33% lên 19.000 đồng mỗi đơn vị. Riêng ngày 29/10, khối ngoại bán ra lượng cổ phiếu VIB trị giá hơn 5.400 tỷ đồng. Mã này chốt phiên giao dịch hôm nay (1/11) ở mức 18.850 đồng.

Theo thông tin VIB công bố hồi đầu tháng 8, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan sở hữu hơn 20% vốn của ngân hàng này. Cổ đông lớn nhất của VIB là Commonwealth Bank (CBA) khi nắm hơn 503 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 19,84% vốn.

Anh Tú