VNG chuẩn bị giao dịch trên UPCoM

VNG thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký tập trung, chuẩn bị đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty này đề nghị các cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cổ phiếu làm thủ tục trước 17h ngày 28/11. Sau thời gian này, VNG sẽ dừng mọi thủ tục cho đến khi cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung sẽ giúp tăng tính thanh khoản, đồng thời là cơ hội để một công ty huy động vốn dễ dàng hơn. Trong các sàn giao dịch tại Việt Nam, HoSE có quy mô vốn hóa và khối lượng giao dịch lớn nhất. Tuy nhiên, điều kiện niêm yết cổ phiếu trên HoSE là doanh nghiệp phải có lãi trong hai năm liền trước. Với VNG, năm 2021, họ báo lỗ ròng hơn 70 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, công ty này thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ với mức giá lên tới hơn 1 triệu đồng cho mỗi cổ phần. Cuối tháng 3/2019, Temasek Holdings – quỹ đầu tư của chính phủ Singapore – chi ra hơn 1,8 triệu đồng cho mỗi cổ phiếu để mua 355.820 cổ phiếu quỹ từ VNG.

Ngoài thông báo chốt danh sách cổ đông, VNG cũng thông tin về giao dịch giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn là nhà đầu tư ngoại. Theo đó, ba cổ đông nước ngoài là Tenacious Bulldog Holdings Limited, Prosperous Prince Enterprises Limited và Gamevest PTE không còn là cổ đông lớn của VNG (giảm sở hữu về dưới 5%).

Ba đơn vị này từng là các cổ đông ngoại lớn nhất của VNG. Trong đó, Tenacious Bulldog Holdings sở hữu gần 23% cổ phần của doanh nghiệp này, với trụ sở đặt tại Offshore Incorpotations Centre, British Virgin Islands.

Prosperous Prince Enterprises, đặt trụ sở tại cùng địa chỉ trên, sở hữu 5,46% vốn của VNG. Tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm 28,46% vốn điều lệ VNG. Gamevest sở hữu 8,14% của VNG.

Kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM là động thái mới từ phía VNG. Trước đó, theo DealStreetAsia, VNG lên kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ). Công ty có thể chào bán tới 12,5% cổ phần trong đợt này.

Cuối năm ngoái, Bloomberg từng đưa tin công ty chủ quản Zalo cân nhắc kế hoạch huy động 200-300 triệu USD trước khi niêm yết. Nếu IPO thành công, VNG có thể được định giá ở mức 2-3 tỷ USD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VNG đạt gần 5.767 tỷ đồng doanh thu và lỗ hơn 764 tỷ đồng. Đơn vị này đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch doanh thu và chỉ cách mức lỗ kế hoạch khoảng 23%.

Kết quả kinh doanh VNG thời gian qua bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con. Trong đó, Công ty cổ phần Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng trong năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016.

Đến cuối tháng 9 năm nay, VNG ghi nhận giá trị đầu tư vào ví điện tử này tăng 26,5% so với đầu năm, lên hơn 2.560 tỷ đồng. Tuy vậy, VNG trích lập dự phòng gần 2.270 tỷ đồng, tăng hơn 214 tỷ đồng so với giữa năm.

Hội đồng quản trị VNG vẫn xác định mục tiêu cần phát triển các dự án và cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm về Zalo, ZaloPay, Cloud, AI… Trong đó, các mảng thanh toán, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây được xem là các lĩnh vực kinh doanh chiến lược để doanh nghiệp này “tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo”.

Minh Sơn

Choose your Reaction!