Tại sao chứng khoán giảm sâu nhưng tiền vẫn ‘ngại’ bắt đáy

Chuyên gia cho rằng tâm lý “chim sợ cành cong” cùng việc nhà đầu tư sợ rủi ro, hạn chế dùng margin khiến thị trường rơi nhanh với thanh khoản thấp.

Sắc đỏ vẫn là gam màu chủ đạo của thị trường chứng khoán những phiên gần đây. Sau hai lần thất bại ở ngưỡng 1.250 điểm, VN-Index giảm liên tiếp về sát ngưỡng 1.100 điểm.

Khác với chuỗi tăng trước đó, đà giảm của thị trường diễn ra với những phiên giảm có biên độ cao, đồ thị là những đường đổ dốc.

Một điểm khác biệt nữa là thanh khoản. Giai đoạn giữa năm, thanh khoản bình quân của thị trường có những tháng vượt 20.000 tỷ đồng, nhiều phiên ghi nhận mức tỷ USD. Giá trị giao dịch của HoSE thường bùng nổ ở những phiên chỉ số giảm mạnh hay hồi phục với biên độ trên 10 điểm.

Hiện tại, dù nhịp hồi lại hay giảm sâu, tiền vào chứng khoán vẫn ở mức thấp. Điều này càng thêm khó hiểu khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục. Lãi suất và chứng khoán vốn là hai chỉ tiêu ngược chiều, lãi suất thấp là tiền đề giúp chứng khoán tăng lên. Tuy nhiên, ở hiện tại thanh khoản những phiên cao cũng chỉ tương đương trung bình giai đoạn giữa năm. Nếu không đột biến, con số này chỉ còn quanh ngưỡng 12.000-14.000 tỷ đồng, giảm 30-40%.

“Một phần vấn đề nằm ở việc vay margin bên ngoài”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta bình luận.

Vay margin “kho” là thuật ngữ chỉ một cách sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với dùng margin trực tiếp từ công ty chứng khoán. “Kho” trong trường hợp này là một số tài khoản quy mô lớn. Nhà đầu tư thường sử dụng hợp đồng ủy thác và chuyển tiền trực tiếp cho bên “kho”, báo mã cổ phiếu cần mua. Toàn bộ rủi ro khi giá chứng khoán giảm sẽ tính trên số tiền nhà đầu tư ký quỹ.

Thông thường, mức margin cao nhất nhà đầu tư được cấp ở các công ty chứng khoán là 1:1. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư sử dụng “kho”, hạn mức vay có thể là 1:5, thậm chí 1:10 hoặc cao hơn. Ví dụ khách hàng có 1 tỷ đồng và sử dụng margin 1:10 của “kho”, hạn mức mua chứng khoán sẽ được cấp là 10 tỷ đồng. Nhưng với tỷ lệ này, chỉ cần danh mục giảm bằng một phiên sàn là tài khoản sẽ ở ngưỡng thanh lý vị thế.

Tại sao vay “kho” lại là vấn đề của thị trường hiện nay? Theo ông Minh, ở nhịp tăng gần đây, công cụ này được nhiều nhà đầu tư sử dụng. Trong giai đoạn “uptrend”, dùng đòn bẩy cao mang lại tỷ suất sinh lời đột biến. Có thời điểm, quy mô vay margin “kho” bằng một nửa vay margin chính thống toàn thị trường.

Nhưng khi thị trường giảm, công cụ này như “con dao hai lưỡi” có thể khiến nhà đầu tư mất toàn bộ thành quả, thậm chí cả vốn gốc chỉ sau vài phiên lao dốc. Chỉ cần mã cổ phiếu sở hữu giảm sàn 1-2 phiên, nhiều tài khoản đến ngưỡng phải xử lý.

“Hiện tại thị trường vẫn chưa xảy ra call margin diện rộng từ công ty chứng khoán, động thái bán ra ồ ạt chủ yếu từ việc vay margin bên ngoài với tỷ lệ đòn bẩy cao. Điều này cũng lý giải tại sao thị trường thường giảm mạnh vào phiên ATC khi lực bán bất ngờ tăng mạnh”, ông Minh giải thích và cho biết thêm, nguồn cung tăng lên, trong khi nhà đầu tư không sử dụng công cụ này để bắt đáy khiến thị trường rơi nhanh với thanh khoản ở mức thấp.




Giao dịch tại quầy một công ty chứng khoán tại TP HCM, vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Giao dịch tại quầy một công ty chứng khoán tại TP HCM, vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài vấn đề này, theo giới chuyên gia, yếu tố niềm tin và thị trường thiếu dòng tiền mới cũng là một phần lý do.

Diễn biến trong nửa cuối năm 2022 là một bài học mà đến nay nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên. Bối cảnh hiện tại và cuối năm trước cũng có một phần tương đồng khi tỷ giá tăng mạnh, dù nhiều yếu tố khác đã thay đổi.

Với vấn đề lãi suất, chỉ báo này và chứng khoán được đánh giá là ngược chiều nhau khi lãi suất tăng, chứng khoán giảm và ngược lại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại khi lãi suất liên tục xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ những biến số khác, như tỷ giá.

“Nhà đầu tư có thể chỉ chuyển một phần tiền tiết kiệm qua đầu tư chứng khoán, bởi lo ngại việc all-in rồi gặp rủi ro như cuối năm 2022”, ông Nguyễn Thế Minh nói. Tỷ lệ tài khoản mở mới vẫn duy trì ở ngưỡng 100.000 tài khoản mỗi tháng nhưng theo chuyên gia này, con số hoạt động thực tế thấp hơn đáng kể.

Cùng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng cho rằng lo ngại thị trường còn điều chỉnh sâu hơn khiến nhà đầu tư dè dặt bắt đáy.

“Chim sợ cành cong là tâm lý hiện tại của nhiều nhà đầu tư”, trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận xét. “Thay vì cố gắng ‘dò đáy’ rồi liên tục phải cắt lỗ, nhà đầu tư giờ chấp nhận mua giá cao hơn khi xu hướng thị trường trở nên rõ ràng”.

Bài học từ năm 2022 và nhịp điều chỉnh gần đây tạo ra tâm lý thận trọng. Trong tháng 9, VN-Index giảm hơn 100 điểm, lần lượt các ngưỡng hỗ trợ được xem là “cứng” như 1.200, 1.170 hay 1.150 đều bị phá vỡ. Nếu nhà đầu tư mua vào ở những ngưỡng này hầu hết đều chịu lỗ.

Đánh giá về xu hướng hiện nay, ông Minh cho rằng triển vọng trung hạn của thị trường đang gặp thách thức trước những áp lực về vĩ mô. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ bắt đầu dịch chuyển theo hướng bất lợi tạo áp lực lên tỷ giá. Chỉ số USD Dollar Index liên tục tăng cao trong những tháng gần đây, hiện lên ngưỡng 107 điểm, tăng hơn 7% chỉ sau ba tháng.

Cơ quan quản lý đang phải giải quyết đồng thời hai nan đề khó, ổn định tỷ giá và ổn định lãi suất. Giải pháp trước mắt là hút tiền đồng qua kênh tín phiếu cũng phần nào khiến thanh khoản bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, chuyên gia từ Yuanta cho rằng thị trường vẫn còn những điểm sáng. Nhiều cổ phiếu đã giảm sâu từ mức đỉnh khi VN-Index vận động quanh ngưỡng 1.250 điểm, với định giá hấp dẫn hơn. Nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng quá bán, giảm sâu so với giá trị sổ sách.

Minh Sơn

Choose your Reaction!