Thị trường chưa khởi sắc, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.
Thống kê của VnExpress dựa trên dữ liệu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, hai tháng đầu năm, 12 doanh nghiệp chậm trả lãi hơn 833 tỷ và 6 đơn vị chưa tất toán gần 5.300 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Trong nhóm này, FLC, Đất Xanh miền Nam, Sunshine E&C và IMG Huế là 4 doanh nghiệp chậm trả cả gốc và lãi trái phiếu.
Như vậy, khoảng 14 doanh nghiệp, chủ yếu là bất động sản, chậm hoàn thành các nghĩa vụ về trái phiếu. Công ty Bất động sản Nhật Quang dẫn đầu khi chưa thanh toán 2.150 tỷ đồng nợ gốc lô trái phiếu đáo hạn hôm 20/1, do thiếu tài chính. Lô trái phiếu này lãi suất 11% một năm, có tài sản bảo đảm liên quan dự án The Spirit of Saigon (đối diện chợ Bến Thành) do Công ty TNHH Saigon Glory làm chủ đầu tư. Saigon Glory cũng là đơn vị nhiều lần chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Liên quan dự án này, Công ty Smart Dragon đang chậm tất toán lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng, cũng với lý do chưa thu xếp đủ tài chính.
Kế đến, Tập đoàn FLC chưa trả gần 997 tỷ đồng. Doanh nghiệp này từng đề nghị gia hạn lô trái phiếu chậm trả đến cuối 2025, lãi suất cố định 13% một năm. Trong thời gian đó, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (tại Quảng Bình), chuyển nhượng hoặc cấn trừ nợ. Tuy nhiên các trái chủ không đồng ý và quá trình đàm phán vẫn tiếp diễn.
Ở nhóm doanh nghiệp chậm trả lãi, hệ sinh thái Hưng Thịnh dẫn đầu khi Hưng Thịnh Investment nợ hơn 269 tỷ đồng và Hưng Thịnh Quy Nhơn gần 6 tỷ đồng. Thị trường tài chính và bất động sản không thuận lợi, ảnh hưởng đến nguồn thu khiến họ không thu xếp nguồn tiền thanh toán đúng hạn. Riêng Hưng Thịnh Investment có kế hoạch lấy ý kiến các trái chủ về gia hạn thời gian thanh toán lãi.
Nhóm chậm trả lãi trăm tỷ còn có Công ty Năng lượng Thành Nguyên (liên quan đến Bamboo Capital), Novaland và FLC. Trong khi Thành Nguyên cho biết nguồn tiền thu từ các khoản nợ hợp tác bị chậm, Novaland giải thích chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.
Áp lực trả lãi và đáo hạn trái phiếu tiếp tục là gánh nặng lớn với nhiều doanh nghiệp năm nay. Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) ước tính khoảng 279.200 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó bất động sản chiếm trên 41%, tương đương 115.700 tỷ đồng.
Còn theo tính toán của VNDirect, trái phiếu địa ốc đáo hạn gần 123.000 tỷ đồng, tăng 24% so với 2023. “Áp lực dòng tiền, trái phiếu đáo hạn vẫn là thách thức với bất động sản”, nhóm phân tích của VNDirect nhận xét. Bởi, thị trường trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý các dự án chậm so với kỳ vọng khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chưa hết khó khăn.
Cũng theo VBMA, lượng trái phiếu đáo hạn vào tháng 2 thấp nhất cả năm, nhưng nhiều doanh nghiệp chậm trả. Số lượng mua lại cũng giảm hơn 43% so với cùng kỳ 2023, về khoảng 9.130 tỷ đồng.
Báo cáo mới đây của FiinRatings – bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu, ngành và xếp hạng tín nhiệm), cho rằng rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu.
Bất động sản, xây dựng – vật liệu và du lịch – giải trí là ba lĩnh vực gặp khó, có dư nợ trái phiếu lớn. FiinRatings lưu ý chất lượng các doanh nghiệp phát hành thấp, nhiều công ty tiềm lực tài chính mỏng hoặc mới hoạt động.
Tất Đạt