Một cổ phiếu ‘họ FLC’ tăng trần liên tục

KLF, cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC, tăng trần ba phiên liên tiếp trên sàn chứng khoán Hà Nội, đưa giá từ 700 đồng lên 1.000 đồng.

KLF là cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất khẩu CFS, đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội với biên độ dao động giá mỗi phiên 10%. Do công ty chậm nộp báo cáo tài chính nên cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần từ giữa tháng 10.

Trong ba phiên được giao dịch gần nhất, KLF đều đóng cửa tại giá trần và không có bên bán. Hôm nay (16/12) có 7,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong đó hơn 6,2 triệu cổ phiếu được sang tay ở giá trần 1.000 đồng.

Thị giá của KLF tăng 30% sau chuỗi tăng trần này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu hiện tại giảm hơn 10 lần so với vùng đỉnh 10.500 đồng được thiết lập trong những tháng đầu năm. Chuỗi trượt dài này bắt đầu khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Đại diện ban lãnh đạo KLF từng cho biết sự kiện đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh vì dù ông Quyết không sở hữu cổ phần hay trực tiếp điều hành tại đây, cổ đông mặc định hai doanh nghiệp có mối quan hệ nên bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng là đối tác lớn nhất và ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của công ty nên khi ông Quyết bị bắt kéo theo các hợp đồng kinh tế và dòng tiền công nợ bị chậm lại.

KLF tiền thân Công ty cổ phần Dịch vụ, Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình được thành lập năm 2009 và từng có thời gian đổi tên thành FLC Golfnet, FLC Travel, FLC Global. Công ty hiện kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và thương mại.

Tập đoàn FLC trước đây trực tiếp rót vốn vào KLF nhưng hiện không còn sở hữu. Theo báo cáo tài chính gần nhất, FLC đang là chủ nợ lớn nhất của công ty này với dư nợ tính đến cuối quý III xấp xỉ 150 tỷ đồng.

KLF đặt mục tiêu doanh thu năm nay 1.100 tỷ đồng và lãi trước thuế 12 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ (khen thưởng, phúc lợi, đầu tư phát triển…) công ty cho biết không chia cổ tức mà giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thiên Ngân

Choose your Reaction!