Cổ phiếu thép tăng trần

Cổ phiếu thép tăng đột biến trong phiên đầu tuần nhưng không thể giúp thị trường có thêm phiên tăng khi nhiều mã không giữ được tham chiếu vào cuối giờ.

Thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ với tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn. VN-Index mở cửa trên tham chiếu, bật lên vào giữa phiên sáng với sắc xanh áp đảo. Các nhóm ảnh hưởng lớn lên chỉ số như ngân hàng, bất động sản giao dịch tích cực, dù biên độ tăng không quá ấn tượng, chỉ quanh ngưỡng 1%. Trong khi đó, một số nhóm khác như thép hay cảng biển giữ biên độ cao hơn.

Dù vậy, đến cuối phiên sáng, tình thế bắt đầu đảo ngược. Dòng tiền vào thị trường không còn tích cực khi chỉ số tiến gần ngưỡng 1.300 điểm, dư bán chặn dày hơn ở vùng giá cao. Càng về sau, bên cầm cổ phiếu càng hạ giá bán nhanh hơn, sắc đỏ lấy lại ưu thế. Chỉ số giảm về dưới tham chiếu trước giờ nghỉ trưa khi nhiều mã đảo chiều. Xu hướng này kéo dài sang phiên chiều và giữ đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 3 điểm (0,25%), xuống 1.277,35 điểm. VN30-Index giảm với biên độ tương đương, về dưới 1.300 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giữ sắc xanh, còn UPCOM-Index chốt phiên giảm.

VN-Index chốt phiên 5/9 giảm hơn 3 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 5/9 giảm hơn 3 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện vào cuối phiên, với 283 mã giảm trên HoSE, so với 168 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 21/30 mã bluechip giảm.

Ở chiều tăng, cổ phiếu thép là nhóm giao dịch tích cực nhất. Giá quặng sắt chạm đáy kỳ vọng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận cho nhóm này trong giai đoạn cuối năm, trong khi nhu cầu có thể phục hồi dần. HPG là mã tăng mạnh nhất nhóm vốn hóa lớn, có thêm gần 4%. Trong khi đó, NKG, HSG chốt phiên tăng kịch trần, POM có thêm 4,3%.

Ngoài nhóm thép, các mã nhóm bán lẻ, cảng biển, phân bón cũng giữ sắc xanh vào cuối giờ.

Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số là các cổ phiếu ngân hàng. Trong VN30, toàn bộ nhóm này chốt phiên dưới tham chiếu. VIB, VCB, VPB mất gần 2% thị giá, BID, CTG, HDB giảm hơn 1%. Một số nhóm khác như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản cũng suy yếu.

Với nhóm đầu cơ, toàn bộ nhóm FLC chốt phiên giảm kịch sàn, nhóm Louis cũng lùi sâu. Đến cuối phiên, cổ phiếu FLC ghi nhận mức dư bán giá sàn hơn 23 triệu đơn vị, các mã khác như HAI, AMD, KLF cũng dư bán vài triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 13.400 tỷ đồng, trong đó nhóm vốn hóa lớn giao dịch hơn 4.800 tỷ.

Minh Sơn

Choose your Reaction!