Chứng khoán tiếp tục giảm mạnh cuối phiên

Đi quanh tham chiếu cả ngày, VN-Index bỗng giật lùi mạnh trong phiên ATC, đóng cửa giảm hơn 14 điểm về mức thấp nhất hơn 7 tháng qua.

Chỉ số đại diện sàn TP HCM ít biến động trong nửa đầu buổi sáng. Đến khoảng 10h30, chỉ số này sụt gần 8 điểm khi sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 nhưng sau đó nhanh chóng cải thiện và lấy lại sắc xanh.

Sang buổi chiều, VN-Index tiếp tục rung lắc quanh tham chiếu. Từ sau 14h, lệnh bán chủ động được đặt dồn dập kéo chỉ số này giảm một mạch về sát 1.026 điểm, giảm hơn 16 điểm. Ngay sau đó, thị trường cải thiện điểm số nhưng rồi lại nhanh chóng giật lùi.

Thị trường biến động mạnh trong phiên ATC diễn ra phổ biến trong khoảng hai tuần qua. Tại phiên 17/10, giao dịch ATC khiến VN-Index giảm gần 20 điểm. Hôm sau, đồ thị chỉ số này tiếp tục giảm gần 40 điểm so với tham chiếu trong những phút cuối. Đến phiên 19/10, thị trường sụt hơn 15 điểm phần lớn do rung lắc trong khoản thời gian ATC. Ở những phiên như 20/10, 25/10 hay 27/10, những phút cuối phiên cũng là diễn biến quyết định điểm số.

Hôm nay, sau khi giảm mạnh trong những phút cuối, VN-Index đóng cửa ở 1.028 điểm, thấp hơn 14 điểm so với tham chiếu. Đây là vùng giá thấp nhất kể từ ngày 20/3, tức hơn 7 tháng qua. Như vậy, thị trường đã quay lại vùng tích lũy thời điểm đầu năm.

Toàn sàn HoSE có 448 mã giảm giá, trong đó có 41 mã giảm hết biên độ. Ở chiều ngược lại, chỉ có 66 mã tăng. Theo VNDirect, SAB là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index, theo sau là GVR, MWG, BID và VIC.

Xét theo ngành, chứng khoán là nhóm có diễn biến tiêu cực nhất. SSI – cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường với gần 970 tỷ đồng – đóng cửa giảm 6,4% khi kiểm tra giá sàn không thành công. Các mã có thanh khoản lớn như VND, SHS, VIX, HCM, MBS đều giảm mạnh từ 4,7-7%. Ngoài ra, VCI và FTS hôm nay giảm hết biên độ.

Theo sau là nhóm bán lẻ, cổ phiếu giảm theo đà suy yếu của kết quả kinh doanh. MWG nằm sàn sau khi Thế Giới Di Động giảm đến 98% lợi nhuận. Digiworld mất một nửa lợi nhuận nên cổ phiếu DGW giảm hết biên độ. Tương tự, hai mã PET và TTH nằm sàn.

Sắc đỏ cũng phủ lấy bảng điện ngành hóa chất, dầu khí, xây dựng và bất động sản khi loạt doanh nghiệp công bố lợi nhuận đi lùi. Trong đó, nhiều mã trụ của từng ngành cùng giảm hết biên độ như GEX, PDR, PVT, DPM, VGC…

Ngược chiều điểm số, thanh khoản sàn HoSE lại tăng gần 5.400 tỷ đồng, lên khoảng gần 14.900 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay dứt chuỗi xả hàng khi mua ròng hơn 300 tỷ đồng. HPG dẫn đầu nhóm này, theo sau là PVD, DCM, FRT, DGC và PVS.

Tất Đạt

Choose your Reaction!