Bất động sản

Doanh nghiệp khó làm nhà ở bình dân

Nhiều chủ đầu tư cho biết muốn làm các dự án có giá trung cấp, bình dân nhưng khó thực hiện vì chi phí triển khai ngày càng cao, không còn lợi nhuận.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP HCM cho hay cách đây 2 năm, công ty từng muốn làm một dự án nhà ở giá rẻ ở quận 12. Tuy nhiên, khi khảo sát, chủ đất đòi hơn 35 triệu đồng mỗi m2, thậm chí trong bán kính cách trung tâm 20-25 km, giá đất sạch vẫn rất cao.

“Nếu cộng thêm chi phí đầu tư, ngay cả khi làm không công, doanh nghiệp phải bán trên 45 triệu đồng mỗi m2 mới đủ hòa vốn”, ông nói.

Ông Trương Đức Hiếu, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đông Dương, cũng cho biết rất khó triển khai các dự án thương mại có giá bình dân trong giai đoạn này. Chi phí triển khai dự án leo thang, quỹ đất ngày càng đắt đỏ và khan hiếm khiến TP HCM dần không còn là sân chơi phù hợp để các chủ đầu tư phát triển phân khúc giá rẻ. Kỳ vọng để người thu nhập thấp thực hiện được giấc mơ an cư là nhà ở xã hội, dù vậy ở TP HCM, làm nhà phân khúc này cũng rất khó có giá thấp như các tỉnh.

Chia sẻ vấn đề này, bà Phạm Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Sao Việt, nói không riêng TP HCM mà ở thị trường tỉnh hiện cũng khó làm dự án nhà giá rẻ khi mọi chi phí liên quan đến đất đai đang tăng rất nhiều.

Bà cho biết những dự án mà doanh nghiệp đang phát triển chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua lại đất từ người dân. Cách đây 5-6 năm, một lô đất ở Dĩ An, Bình Dương có giá khoảng 10-12 triệu đồng mỗi m2, còn hiện tại theo cơ chế thị trường, giá lên 30-35 triệu đồng mỗi m2. Chỉ riêng chi phí đất, doanh nghiệp đã không cách nào bán dự án với giá thấp hơn 40 triệu đồng mỗi m2.

Ngoài ra, theo bà Thảo, chi phí từ tiền sử dụng đất cũng tăng theo bảng giá đất và phương pháp tính thuế mới. Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ cần đóng thuế cho phần diện tích xây dựng (khoảng 40-45% tổng diện tích), còn theo quy định mới sẽ phải đóng thuế toàn bộ diện tích dự án (chỉ trừ diện tích làm đường nội bộ). Như vậy, thuế tăng gần gấp đôi, chưa kể là nếu theo bảng giá mới, dự kiến có thể tăng 20-30%. Tương tự, các chi phí như phòng cháy chữa cháy theo quy định mới cũng bị đội lên gấp nhiều lần, lương cơ bản tăng kéo chi phí nhân công tăng, chi phí vận chuyển tăng…

“Các chi phí đều tăng cao, làm sao doanh nghiệp triển khai được nhà giá rẻ”, bà Thảo nói.




Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy quý III, nguồn cung nhà ở hình thành trong tương lai trên cả nước là khoảng 21.300 căn, 80% nguồn cung tại Hà Nội và TP HCM được bán với giá từ 50 triệu đồng mỗi m2 trở lên. Phân khúc căn hộ chung cư bình dân (giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2) đã “tuyệt chủng”, thậm chí không có khả năng xuất hiện trở lại tại Hà Nội và TP HCM.

Còn theo Hiệp hội bất động sản TP HCM, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã không còn căn hộ giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2. Giá trung bình căn hộ mở bán mới trên địa bàn khoảng 50 triệu đồng mỗi m2 và liên tục tăng qua các năm. Căn hộ giá dưới 40 triệu đồng mỗi m2 tại TP HCM cũng đã thành hàng hiếm. Ngay cả các thị trường vệ tinh, giá nhà cũng không còn rẻ.

Đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia phát triển nhà giá rẻ, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận việc triển khai các dự án bình dân, trung cấp khó có thể đảm bảo lợi nhuận cho chủ đầu tư trong bối cảnh chi phí tài chính, chi phí liên quan đất đai tăng trong vài năm trở lại đây.

Ông Đính cho biết, làm dự án nhà ở vừa túi tiền, biên lợi nhuận khoảng 15%, thấp hơn so với các phân khúc cao cấp. Do đó, để có lợi nhuận, chủ đầu tư phải tối ưu hóa chi phí từ quỹ đất, xây dựng đến vận hành. Nếu chẳng may dự án bị tồn đọng vốn hoặc bán chậm từ 1-2 năm sẽ cầm chắc thua lỗ. Quy trình cấp phép dự án còn phức tạp, thời gian kéo dài, chi phí đất ngày càng tăng cao, quỹ đất phát triển nhà ở tại các thành phố lớn ngày càng khan hiếm khiến cho các nhà phát triển dự án phải cân nhắc kỹ lưỡng và dần không còn hướng đến phân khúc này.

Còn theo lãnh đạo một doanh nghiệp tại Bình Dương, chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp làm nhà ở bình dân, ngay chính sách cho nhà ở xã hội cũng kém hấp dẫn. Trong khi đó, các dự án cao cấp vừa mang lại biên lợi nhuận cao và cũng không khó bán do nhu cầu để ở và đầu tư đều lớn. Ngoài nhóm khách hàng có thu nhập cao, lực cầu căn hộ cao cấp còn đến từ các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam cũng như Việt kiều. Điều này càng khiến phân khúc nhà ở vừa túi tiền trở nên kém hấp dẫn.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở vừa túi tiền, Hội môi giới cho rằng nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư. Nên áp dụng chính sách miễn giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp hay tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất so với tiêu chuẩn cho các dự án nhà ở thương mại có mức giá phải chăng.

Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên trong việc phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, giúp rút ngắn thời gian phát triển dự án, thông qua đó tiết giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập quỹ nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì nguồn cung căn hộ giá rẻ. Quỹ này có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước và từ các nhà đầu tư tư nhân.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho rằng cần ưu tiên thí điểm với doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng hoặc đang có quỹ đất để làm dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, phù hợp tình hình kinh tế của địa phương. Việc thí điểm này kỳ vọng tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá tăng cao do một phần nguyên nhân từ khó khăn tiếp cận đất đai.

Phương Uyên

Loạt lô đất Thanh Oai đấu giá thất bại do nhà đầu tư ‘bỏ ngang’

Hà Nội22 thửa đất tại xã Đỗ Động đấu giá thất bại dù đã trải qua 8 vòng đấu, do nhà đầu tư không tiếp tục trả giá.

22 thửa đất (ký hiệu 118 đến 139) tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, Huyện Thanh Oai lên sàn đấu ngày 30/11.

Các lô có diện tích 85-136 m2, khởi điểm 5,3 triệu đồng mỗi m2. Với mức này, tiền đặt trước mỗi thửa dao động 91-144 triệu đồng mỗi thửa. Cuộc đấu giá phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng mỗi m2.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, đấu giá viên Công ty đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam – đơn vị tổ chức, cho biết đến vòng thứ 8 giá cao nhất được nhà đầu tư trả 70,3 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên đến vòng thứ 9, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến phiên đấu không thành công. Đây là phiên đầu tiên do đơn vị này tổ chức không có thửa nào trúng.

Theo bà, việc khách tham gia và trả giá đến từ nhu cầu cá nhân. Nhà đầu tư bất ngờ “bỏ ngang” có thể do họ không có nhu cầu, khi giá được trả vòng đấu trước ở mức cao. Họ chọn cách không trả giá hoặc thấp hơn dẫn đến kết quả ghi nhận tại các vòng đấu trước bị hủy.

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng cho rằng việc đấu giá thất bại ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương. Hiện huyện chưa có kế hoạch đấu giá lại 22 lô đất trên.




Một khu đất đấu giá tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Anh Tú

Một khu đất đấu giá tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Anh Tú

Phiên này có hơn 70 nhà đầu tư tham gia, giảm mạnh so với các phiên tại Thanh Oai hồi tháng 8 – thời điểm khoảng 1.500 người tham dự và giá trúng cao nhất trên 100 đồng một m2.

Bà Giang nói thêm phiên đấu thất bại ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá không thu được chi phí nào, thậm chí tốn thêm khi phải tổ chức lại phiên đấu giá. UBND huyện cũng không thu được ngân sách như dự kiến.

“Ngay cả những phiên đấu thành công với giá cao kỷ lục, đơn vị tổ chức cũng lo lắng vì không biết người trúng có nộp đủ tiền hay không. Đấu xong tiền vẫn hoàn toàn trên giấy”, bà cho hay.

Một ngày trước đó, phiên đấu 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo quy chế, cuộc đấu giá phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Đến vòng đấu cuối cùng – vòng 6, các khách hàng này không tiếp tục trả giá 36 thửa đất trên. Vì vậy, các lô đó không đấu giá thành công.

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng một m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6). Huyện Sóc Sơn cho biết sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Thậm chí, việc xử lý mới chỉ xem xét đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Các chế tài hành chính, hình sự với các hành vi này nếu có, cần phải do cơ quan có thẩm quyền làm rõ.

Tuy nhiên hệ lụy có thể nhìn thấy từ tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang là thị trường nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, theo luật sư Tuấn.

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. Một số huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức… cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.

9 tháng đầu năm, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Ngọc Diễm

Nguồn cung căn hộ phía Nam dồi dào tháng cuối năm

Thị trường địa ốc phía Nam đang có bước chuyển động tích cực trong tháng cuối năm khi đa số chủ đầu tư có sẵn nguồn hàng đều chuẩn bị mở bán.

Theo ghi nhận của VnExpress, đầu tháng 12, có khá nhiều dự án ở cả phân khúc trung cấp, bình dân và cao cấp được doanh nghiệp phía Nam tung ra thị trường.

Ở phân khúc vừa túi tiền, Tập đoàn Bcons vừa ra mắt dự án khu chung cư Tân Đông Hiệp (Bcons Solary) tại TP Dĩ An, Bình Dương, quy mô 20.000 m2 với 4 tháp cao 38 tầng, gồm 2.650 căn hộ bán và cho thuê. Mức giá dự kiến từ 33 triệu đồng mỗi m2, sẽ hoàn thành năm 2027.

Khu vực Long An, DKRA Group cũng vừa công bố dự án Saigon Riverpark tại huyện Cần Giuộc, với diện tích 32 ha, gồm 1.229 sản phẩm có giá bán 20-25 triệu đồng mỗi m2.

Với thị trường TP HCM, chủ đầu tư Kiến Á chuẩn bị tái khởi động rổ hàng cuối cùng của dự án Citi Grand (TP Thủ Đức) có giá từ 50 triệu đồng mỗi m2; hay dự án Fiato Uptown cũng sẽ mở bán giai đoạn mới với giá dự kiến khoảng 55 triệu mỗi m2. Ngoài ra, ở huyện Nhà Bè, Lĩnh Phong Conic đang nhận đặt chỗ cho dự án Conic Boulevard quy mô 976 căn hộ, giá từ 40 triệu đồng mỗi m2. Dự án này dự kiến mở bán đầu tháng 12.

Trong khi đó, phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm 70% rổ hàng mở bán mới, chủ yếu vẫn tập trung tại TP HCM như Masteri Grand View (130 triệu đồng mỗi m2), Eaton Park (140 triệu đồng mỗi m2), Elysian (100 triệu đồng mỗi m2), The Opusk Residence (300 triệu đồng mỗi m2), Essensia Sky 66 triệu đồng mỗi m2, The Opus One từ 80 triệu đồng mỗi m2…




Các dự án chung cư tại TP Thủ Đức, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Các dự án chung cư tại TP Thủ Đức, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo dự báo từ DKRA Group, ba tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam sẽ có thêm 10.000 căn hộ và 600 sản phẩm nhà thấp tầng mở bán, nâng tổng số nguồn cung mới trong cả năm 2024 lên hơn 30.000 sản phẩm. Con số này gấp gần 3 lần so với năm ngoái và là nguồn cung cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Còn số liệu từ Savills Việt Nam chỉ ra ba tháng cuối năm, riêng rổ hàng căn hộ mở bán mới tại TP HCM sẽ có thêm 6.700 căn hộ, các thị trường vệ tinh dự kiến đa dạng hơn với trung bình khoảng 7.000-8.000 căn. Đây sẽ là quý ghi nhận nguồn cung dồi dào nhất trong năm.

Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết trên cơ sở các bộ luật mới có hiệu lực sớm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang thúc đẩy quá trình phục hồi, gỡ bỏ nhiều rào cản pháp lý tồn tại từ lâu, tạo động lực mới cho bất động sản phục hồi trở.

Hiệu ứng tích cực từ chính sách đang dần thẩm thấu vào thị trường. Theo ông, biểu hiện rõ nhất là doanh nghiệp tự tin bung hàng, người mua nhà cũng mạnh dạn tham gia thị trường trở lại. Trong tháng cuối năm, nguồn cung sẽ tăng trưởng mạnh với nhiều lựa chọn có mức giá phù hợp hơn, được đóng góp thêm từ các địa phương lân cận TP HCM.

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group, cho biết chỉ trong tháng 10 và 11, nguồn cung mới ở các tỉnh phía Nam bắt đầu dấu hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ sôi động hơn vào tháng 12. Đây là tín hiệu tích cực, nếu kết quả bán hàng thành công sẽ giúp “khơi mào” cho các dự án mới khác mạnh dạn tham gia thị trường.

Dù vậy, theo ông Thiện, trong bối cảnh thị trường chưa hoàn toàn khởi sắc và vấn đề pháp lý vẫn là rào cản chung, để nguồn cung thực sự sôi động và đa dạng hơn, vẫn phải chờ đến đầu năm 2025.

Nguồn cung đã có phần dồi dào hơn nhưng giá bán trung bình trên thị trường vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo DKRA Group, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, một số dự án ghi nhận mức tăng 3-8% so với quý trước. Căn hộ mới dao động 35 triệu đồng với các đô thị vệ tinh và 65 triệu đồng mỗi m2 với TP HCM.

Tương tự, dữ liệu từ chuyên trang Batdongsan cũng cho thấy trong nửa đầu quý IV, giá bán căn hộ TP HCM có xu hướng tăng thêm 4% ở cả loại hình trung cấp và cao cấp. Với các thị trường tỉnh, giá có sự điều chỉnh tăng từ 3-5% ở rổ hàng mở bán mới.

Đà tăng giá này được thúc đẩy bởi cơn khát nhà ở kéo dài suốt vài năm qua cùng sự lệch pha cung- cầu. Bên cạnh đó, tác động từ bảng giá đất mới đang được nhiều địa phương công bố cũng tạo tâm lý tăng giá “ăn theo” trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, nhận định việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá bán, cho thuê bất động sản so với bảng giá đất cũ. Dự kiến, sau khi chính thức được thực thi năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2-7 lần so với bảng hiện tại, kéo giá nhà có thể tăng theo.

Đánh giá xu hướng tăng giá liên tục của thị trường bất động sản thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, nếu giá bất động sản không có điều chỉnh cung- cầu phù hợp, thị trường sẽ khó phục hồi toàn diện. Về lâu dài, câu chuyện tăng giá bất động sản nếu không được can thiệp sớm, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường và xã hội.

Cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp khơi thông đường đi cho phân khúc nhà ở thương mại giá bình dân, nhà xã hội. Các chủ đầu tư cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo đúng xu hướng và khả năng chi trả của phần đông người dân, hạn chế tình trạng lệch pha hẳn sang dòng sản phẩm cao cấp, hạng sang.

Phương Uyên

Căn hộ The Symphony đáp ứng nhu cầu khách nước ngoài tại Đà Nẵng

The Symphony thuộc quần thể semi-compound Sun Symphony Residence hấp dẫn cộng đồng người nước ngoài nhờ kiến trúc hiện đại, đầy đủ tiện ích giữa trung tâm thành phố.

Sun Symphony Residence phát triển theo mô hình bán khép kín, nằm bên bờ sông Hàn, giữa trung tâm TP Đà Nẵng, được phát triển bởi Sun Property (thành viên Sun Group).

Những tòa tháp The Symphony hưởng lợi từ vị trí với tầm nhìn bao quát những địa điểm nổi tiếng. Từ căn hộ có thể ngắm những màn pháo hoa tại lễ hội pháo hoa quốc tế hay phóng tầm mắt tới đại dương, bán đảo Sơn Trà, đỉnh Bà Nà.

Ngoài vị trí, dự án này còn chinh phục được các khách hàng nước ngoài bởi các tiện ích hiện đại và tiện nghi.

Chị Ha-eun (38 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đã có hơn 10 năm sinh sống tại Đà Nẵng. Chị cho biết, trước khi quyết định định cư tại đây, chị đã được mời sang Singapore làm việc nhưng vẫn quyết định chọn ở lại Đà Nẵng vì yêu vẻ đẹp thiên nhiên, con người của thành phố này. Khi tìm nhà, chị muốn có không gian sống sang trọng, đủ dịch vụ cao cấp theo xu hướng quốc tế. The Symphony đã đáp ứng được những mong muốn của chị Ha-eun.




Phối cảnh bể bơi vô cực tại căn hộ The Symphony bên sông Hàn. Ảnh: Sun Property

Phối cảnh bể bơi vô cực tại căn hộ The Symphony bên sông Hàn. Ảnh: Sun Property

Đã sống ở 3 miền đất nước Việt Nam, yêu Đà Nẵng, nhưng chỉ khi biết đến Sun Symphony Residence, ông Johnson (Canada) mới có mong muốn được sở hữu căn hộ đầu tiên tại Việt Nam. Lý do là bởi ông hài lòng với mô hình tổ hợp semi-compound đầy đủ tiện ích.

Semi-compound là mô hình “đô thị bán khép kín” được quy hoạch thông minh theo chức năng từng tiểu khu, kết hợp 2 giá trị sống, một bên là sắc màu dịch vụ, giải trí sầm uất, một bên là không gian sống sang trọng, riêng tư.




Phối cảnh các tòa tháp The Symphony bên sông Hàn. Ảnh: Sun Property

Phối cảnh các tòa tháp The Symphony bên sông Hàn. Ảnh: Sun Property

Theo đại diện chủ đầu tư, phong cách sống cao cấp tại The Symphony được khắc họa từng chi tiết. Từ tính toán “tỷ lệ vàng” khi thiết kế căn hộ với ban công rộng cùng 3-4 góc ngắm biển Mỹ Khê, sông Hàn thơ mộng, thành phố… cho tới cửa kính lớn bằng kính Low-e cao cấp, giúp tối ưu tầm nhìn, giảm bức xạ, đảm bảo lợi ích về sức khỏe cho gia chủ.

“Với thiết kế tôn trọng tự nhiên và “vị nhân sinh”, chúng tôi tối ưu chiều rộng, mặt tiền và diện tích căn hộ nhằm tạo ra những trải nghiệm đẳng cấp nhất cho cư dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cuộc sống”, đại diện Aedas – đơn vị tư vấn thiết kế dự án cho biết thêm.

Tại dự án, mọi người không những được sống trong những căn hộ thiết kế chuẩn khách sạn 5 sao, mà còn được tận hưởng hệ tiện ích cao cấp, tiện nghi gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, gym, spa, kids club… Trong đó có những tiện ích mang đến trải nghiệm độc bản như bể bơi vô cực ngoài trời lên đến 450 m2 ngắm trọn sông Hàn hay 3 bến thủy ngay nội khu giúp cư dân tinh hoa thỏa mãn thú chơi du thuyền…




Bến du thuyền và hệ thống tiện ích cao cấp tại Sun Symphony Residence. Ảnh: Sun Property

Bến du thuyền và hệ thống tiện ích cao cấp tại Sun Symphony Residence. Ảnh: Sun Property

Cư dân còn được hòa vào thiên nhiên với công viên Central Park 5.000 m2 xanh mát, thảnh thơi dạo bộ với cung đường ven sông, hay thỏa sức vui chơi, rèn luyện sức khỏe, tiệc tùng ngoài trời… Và cũng chỉ cần “một bước chân” để lạc vào “thiên đường” dịch vụ, mua sắm, giải trí đầy sức sống suốt đêm ngày tại phân khu thấp tầng The Sonata.

Tính ưu việt của mô hình semi-compound giúp Sun Symphony Residence là không gian mở, nhưng được giám sát bởi hệ thống camera hiện đại và đội ngũ an ninh chuyên nghiệp túc trực 24/7, mang đến cuộc sống vừa yên tĩnh, vừa an toàn.

Bởi vậy, The Symphony đáp ứng được nhiều nhu cầu của người nước ngoài khi đến sinh sống tại Đà Nẵng, trở thành khu đô thị sang trọng dành riêng cho giới thượng lưu, mang đến phong cách sống như nghỉ dưỡng cao cấp.

Là 1 trong những dự án nhà ở thương mại tại Đà Nẵng cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu, Sun Symphony Residence đang trở thành điểm đến mới của cộng đồng người ngoại quốc đã yêu và gắn bó với thành phố sông Hàn.




Sun Symphony Residence phát triển theo mô hình tổ hợp semi-compound đầy đủ tiện ích mang xu hướng quốc tế. Ảnh: Sun Property

Sun Symphony Residence phát triển theo mô hình tổ hợp semi-compound đầy đủ tiện ích mang xu hướng quốc tế. Ảnh: Sun Property

Theo báo cáo Expat Insider 2024 – một trong những cuộc khảo sát người ngoại quốc lớn nhất thế giới do tổ chức InterNations thực hiện, Việt Nam là quốc gia có chi phí phải chăng nhất trên thế giới dành cho người nước ngoài. Đáng chú ý, có tới 68% cho biết mức thu nhập khả dụng của họ thừa sức mang lại cuộc sống tiện nghi, cao hơn nhiều mức trung bình 41% của các quốc gia khác được khảo sát.

Đầu năm nay, Đà Nẵng được trang web nổi tiếng quốc tế – Investing – đưa vào danh sách 9 nơi lý tưởng cho cuộc sống hưu trí bên cạnh Munich (Đức), Myrtle Beach (Nam Carolina, Mỹ), Porto (Bồ Đào Nha), Marbella (Tây Ban Nha),… Cùng với định hướng vươn tầm quốc tế, đô thị biển Đà Nẵng sẽ ngày càng thu hút đội ngũ chuyên gia quốc tế, công dân toàn cầu đến an cư, làm việc, nghỉ hưu, tận hưởng cuộc sống.

Với sự đầu tư của Sun Property (thành viên Sun Group), The Symphony nói riêng và Sun Symphony Residence hứa hẹn sẽ kiến tạo nên một cộng đồng cư dân tinh hoa tại Đà Nẵng.

Yên Chi

Khu du lịch, biệt thự Vườn Vua ở Phú Thọ kéo dài tiến độ 11 năm

Khu du lịch, biệt thự sinh thái Vườn Vua, huyện Thanh Thủy liên tục điều chỉnh quy hoạch khiến tiến độ kéo dài 11 năm, theo Bộ Xây dựng.

Thông tin được Bộ Xây dựng nêu trong kết luận kiểm tra quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản 2016-2022 tại tỉnh Phú Thọ. Trong số 9 dự án bị kiểm tra, có khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua và La Phù, huyện Thanh Thủy.

Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua quy mô gần 83 ha, do Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ làm chủ đầu tư. Theo kết luận của Bộ Xây dựng, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2011 nhưng điều chỉnh quy hoạch 6 lần trong gần 9 năm, dẫn đến tiến độ kéo dài 11 năm từ 2013.

Ngoài ra việc thu hồi và giao đất, mặt nước cố định cho chủ đầu tư cũng kéo dài gần 10 năm. Chủ đầu tư kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện.




Một dãy biệt thự tại Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua, huyện Thanh Thủy. Ảnh: Vườn Vua

Một dãy biệt thự tại Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua, huyện Thanh Thủy. Ảnh: Vườn Vua

Tương tự, khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù của Công ty cổ phần Ao Vua làm chủ đầu tư có quy mô 65 ha, trong đó hơn 51 ha do Phú Thọ quản lý, còn lại thuộc địa bàn Hà Nội.

Dự án này khởi công từ năm 2011, đến 2013 đưa vào hoạt động với tên gọi khu du lịch Đảo Ngọc Xanh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dự án bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần và chậm tiến độ hoàn thành. Đến tháng 6/2020, dự án được tỉnh cấp phép xây dựng nhưng đến nay chưa có sản phẩm để bán, cho thuê, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Danh mục thanh tra còn có 5 dự án nhà ở thương mại, trong đó dự án khu đô thị mới Tây Nam TP Việt Trì (tên thương mại Palm Manor) với quy mô gần 59 ha do Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn Cầu đầu tư. Kết luận nêu diện tích đất thực tế của dự án đang vênh so với phê duyệt hơn 2 ha. Tên chủ đầu tư cũng thay đổi so với quyết định phê duyệt của tỉnh vào 2013.

Dự án khu nhà ở, đô thị phía nam đồng Lạc Ngàn, phường Tân Dân, TP Việt Trì của Công ty cổ phần BV Invest cũng không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở, tự chuyển nhượng đất cho người dân xây nhà không đúng quy định.

Dự án khu đô thị mới Việt Séc của Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Séc chưa báo cáo việc kinh doanh biệt thự, nhà ở riêng lẻ, chưa cung cấp hồ sơ chứng minh có bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với những căn đã bán. Chủ đầu tư cũng chưa cung cấp hồ sơ về hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai.

Về tình hình triển khai nhà ở xã hội, tỉnh mới bàn giao hơn 330 căn, đạt 4,6% kế hoạch. Theo đề án xây dựng một triệu căn nhà xã hội đến 2030, Phú Thọ được giao chỉ tiêu 7.000 căn trong giai đoạn 2021-2025, riêng năm nay hoàn thành 1.300 căn. Hiện việc triển khai rất chậm khi chưa có thêm dự án nào hoàn thành.

Bộ Xây dựng đánh giá những vi phạm, tồn tại trên làm giảm hiệu quả khai thác đất và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trách nhiệm thuộc về tỉnh Phú Thọ. Tỉnh được yêu cầu tăng giám sát, ngăn những vi phạm của chủ đầu tư, gây thiệt hại cho người mua nhà.

Bộ cũng yêu cầu tăng cường xây dựng loại hình chung cư tại TP Việt Trì để tiết kiệm quỹ đất, hạn chế việc phân lô bán nền.

Ngọc Diễm

‘Đánh thuế mua bán bất động sản theo năm sở hữu khó giúp hạ giá nhà’

Việc đánh thuế chuyển nhượng bất động sản theo năm sở hữu có thể giảm tình trạng đầu cơ, lướt sóng nhưng khó giúp hạ giá nhà, theo chuyên gia.

Tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề cập việc có thể thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian sở hữu, tương tự một số quốc gia.

Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế theo thời gian sở hữu sẽ giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản – vốn là nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao vừa qua.

Song theo giới phân tích việc thu thuế này khó giúp hạ giá nhà. Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết việc áp thuế theo năm sở hữu sẽ tác động “rất lớn đến thị trường”.

Ông lý giải đầu tư bất động sản cũng mất nhiều chi phí gồm 2% thuế thu nhập cá nhân, 0,5% lệ phí trước bạ, khoảng 2% môi giới và các chi phí về vốn 8-10%. Trong khi đó, giá nhà, đất tăng bình quân 8-12% mỗi năm. Bởi vậy, theo ông Quang, lợi suất đầu tư địa ốc hiện nay có thể không bằng các kênh khác.

“Nếu áp dụng quy định đánh thuế này, nhà đầu tư buộc giữ bất động sản lâu hơn, có thể từ 1 năm trở lên, khiến chi phí vốn, lãi vay, chi phí cơ hội… tăng”, ông nói, cho rằng điều này có thể tạo ra hai tác động.

Đầu tiên là thị trường bất động sản giảm hấp dẫn với nhà đầu tư vì tỷ lệ sinh lời kém hoặc không còn lợi nhuận. Mặt khác, nhà đầu tư vẫn tham gia thị trường, nhưng giá địa ốc bị đẩy lên cao hơn để họ bù lại chi phí về vốn, thuế tăng thêm.

Theo khảo sát của VnExpress (25- 30/11) về có nên áp dụng cách thu thuế này không, với hơn 12.500 người tham gia, tỷ lệ phản đối “nhỉnh” hơn số ủng hộ,




Đánh thuế mua bán bất động sản theo năm sở hữu khó giúp hạ giá nhà

Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property cho rằng việc đánh thuế cá nhân chuyển nhượng bất động sản theo năm sở hữu với mục tiêu tăng thu ngân sách là đúng. Tuy nhiên, áp dụng quy định này với kỳ vọng giảm giá nhà đất, ông Toản nói “rất khó đạt được”.

“Người sở hữu bất động sản khi chuyển nhượng sẽ cộng mọi chi phí vào giá bán cuối cùng. Họ không trốn tránh các nghĩa vụ về thuế. Còn người mua vẫn chịu thiệt thòi nhiều nhất”, CEO EZ Property cho hay.

Theo ông, trường hợp chủ bất động sản vay ngân hàng, thua lỗ không còn khả năng chi trả, họ phải bán sớm thì cũng chịu “thiệt kép” khi phải nộp thêm thuế sở hữu theo năm.

Chuyên gia này nói rằng chính sách của cơ quan quản lý cần “gãi đúng chỗ ngứa”, không nên gây thêm khó khăn cho thị trường. Bởi thực tế giá nhà đất chỉ tăng mạnh ở Hà Nội và TP HCM, trong khi nhiều địa phương chững giá, thậm chí giảm.




Một góc dự án biệt thự, liền kề phía Tây Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Một góc dự án biệt thự, liền kề phía Tây Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Singapore là nước đang áp dụng chính sách này. Theo đó, nước này áp thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán bất động sản. Sau hai năm, thuế suất giảm còn một nửa. Chuyển nhượng nhà sau 3 năm sở hữu, thuế áp hạ còn một phần tư.

Tương tự, tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong hai năm đầu sau khi mua, mức thuế là 45%. Trong 2-5 năm, thuế suất 35%; 5-10 năm thuế 20% và sau 10 năm là 15%.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói việc áp thuế bất động sản theo năm sở hữu là khả thi, giúp giảm bớt động lực mua bán để đẩy giá của nhóm đầu tư lướt sóng, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ông Long nhận xét giải pháp này cần lộ trình cụ thể về thời điểm áp dụng, tiêu chí, mức đánh thuế… nhằm tránh gây cú “sốc” cho thị trường.

“Hiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa hoàn thiện. Thông tin giá trị chuyển nhượng chưa minh bạch, bởi tình trạng giao dịch hai giá diễn ra phổ biến nhiều năm qua”, chuyên gia Ngô Trí Long lưu ý.

Tương tự, TS Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế – hiện là giảng viên trong lĩnh vực này nói không nên xem việc đầu tư, tích lũy bất động sản là xấu bởi nó tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Theo ông, chủ trương đánh thuế đầu cơ lướt sóng, người sở hữu nhiều nhà đất bỏ hoang là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu về sắc thuế, kỹ thuật áp thuế. Việc này sẽ giúp thu đúng, không ảnh hưởng đến người có nhu cầu thực.

Ông đề xuất nên nghiên cứu một sắc thuế mới, như thuế tài sản hay bất động sản, thay vì gộp chung khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. “Loại thuế này chỉ tính trên lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư địa ốc của nhà đầu tư”, ông Tú gợi ý.

Để làm được, TS Tú cho rằng trước mắt, cơ quan quản lý cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai trên toàn quốc để thiết lập cơ sở thu đúng, thu đủ với người sử dụng, mua bán và chuyển nhượng bất động sản.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang và Phạm Đức Toản nhận định để hạ giá nhà đất lúc này, các cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản, tăng cung thị trường. Việc phát triển nhà ở xã hội tại các thành phố lớn cần đẩy nhanh, thực chất hơn.

Anh Tú – Ngọc Diễm

KDI Holdings nhận hai giải thưởng ‘Dự án đáng sống 2024’

Dự án Libera Nha Trang và thương hiệu Villa Le Corail, A Gran Meliá Nha Trang đạt giải thưởng nhờ kiến trúc độc đáo, góp phần nâng tầm du lịch Việt.

Chương trình bình chọn “Dự án đáng sống” vừa diễn ra vào ngày 27/11. Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tập đoàn KDI Holdings nhận cú đúp giải thưởng. Theo đó, dự án Libera Nha Trang đạt danh hiệu “Dự án đáng sống” và thương hiệu Villa Le Corail, A Gran Meliá Nha Trang đạt giải “Khu nghỉ dưỡng được yêu thích”. Theo đại diện đơn vị, các giải thưởng không chỉ khẳng định vị thế của tập đoàn trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mà còn minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình kiến tạo những công trình kiến trúc độc đáo, góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam.

Bà Nguyễn Hải Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, cho biết tự hào khi nhận hai giải thưởng. “Đây là động lực mạnh mẽ để chúng tôi vững tin trên hành trình làm đẹp những vùng đất, không ngừng sáng tạo, mang đến những giá trị bền vững”, bà nói. Đơn vị cũng đặt mục tiêu góp phần đưa Nha Trang (Khánh Hòa) trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế hàng đầu khu vực và thế giới trong tương lai.




Bà Nguyễn Hương Hoài (đứng giữa, hàng đầu), đại diện dự án Libera Nha Trang, nhận chứng nhận và kỷ niệm chương. Ảnh: KDI Holdings

Bà Nguyễn Hương Hoài (đứng giữa, hàng đầu), đại diện dự án Libera Nha Trang, nhận chứng nhận và kỷ niệm chương. Ảnh: KDI Holdings

Hai dự án đạt giải là “thành phố tự do Libera Nha Trang” – đô thị biển, trung tâm mới của Nha Trang và thương hiệu Villa Le Corail, A Gran Meliá Hotel – khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Đông Nam Á của Gran Meliá Hotels & Resorts, thuộc phân khúc cao cấp nhất của Meliá Hotels International.

Với tầm nhìn đồng hành cùng đưa Nha Trang trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và trên thế giới, KDI Holdings dành tâm huyết và đầu tư tài chính kiến tạo nên một quần thể đô thị biển quy mô 44 ha đẳng cấp quốc tế, ôm trọn 2 km bờ biển ngay nội đô thành phố trên trục đường Trần Phú. Đơn vị cho biết vị trí này có lợi thế “tựa sơn – nghinh hải” cùng tầm nhìn đắt giá, hướng ra vịnh biển thiên đường. Nhờ đó Libera Nha Trang đủ gần để hòa vào nhịp sôi động của đô thị nhưng cũng đủ xa để mang đến trải nghiệm riêng tư tinh tế.

Dự án sở hữu 3 bãi tắm riêng biệt với hệ thống tiện ích cao cấp phục vụ nhịp sống, nghỉ dưỡng. Với những người thích trải nghiệm văn hóa – nghệ thuật bản địa, nhà hát Đó cùng show diễn “Rối Mơ” trở thành điểm đến thú vị. Với người bộ môn cảm giác mạnh, Libera Nha Trang có riêng một trung tâm thể thao biển ngay tại dự án, mang đến dịch vụ lặn biển Scuba Diving khám phá đại dương xanh thẳm, chiêm ngưỡng san hô quý với trang thiết bị hiện đại hay Jet-ski, dù lượn, Flyboard.

Mua sắm cũng là một nhu cầu không thể bỏ qua. Dự án thiết kế khu Downtown Nightlife sôi động với 168 căn shophouse rực rỡ sắc màu từ thời trang hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp, trang sức xa xỉ… đến những dãy phố ẩm thực, nhà hàng cao cấp, beach club sôi động suốt 24 giờ.

Ngay từ khi xây dựng Libera Nha Trang, chủ đầu tư hợp tác với Viện Hải dương học Nha Trang để phát triển công trình công viên Vạn San Đảo. Đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh đây là dự án công viên san hô nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam, quy mô lên đến 2 ha với 122 loài san hô quý (đặc biệt là san hô đỏ) cùng 81 hệ thực vật biển.




Dự án đô thị biển Libera Nha Trang sở hữu vị trí sát biển. Ảnh phối cảnh: KDI Holdings

Dự án đô thị biển Libera Nha Trang sở hữu vị trí sát biển. Ảnh phối cảnh: KDI Holdings

Còn tại Villa Le Corail, A Gran Meliá Hotel, khu nghỉ dưỡng mở cửa đón khách từ mùa hè 2023. Tọa lạc tại Bãi Tiên, phía trước là vịnh biển riêng, sau lưng là núi rừng nhiệt đới, nơi đây mang đến kỳ nghỉ dưỡng trọn vẹn cho du khách, kết hợp giữa dịch vụ tinh tế, mang đậm tinh thần Tây Ban Nha với sự hiếu khách của người Việt.

Khi đến trải nghiệm nghỉ dưỡng tại đây, du khách có thể thưởng thức ẩm thực hấp dẫn tại Hispania Nha Trang – nhà hàng hợp tác với bếp trưởng đạt sao Michelin người Tây Ban Nha – Marcos Morán và Shibui – điểm đến ẩm thực với hương vị Nhật Bản tươi mới.

Du khách cũng có thể trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak và chèo ván đứng; yoga, thái cực quyền. Chỉ cách sân bay quốc tế Cam Ranh 45 phút lái xe, khu nghỉ dưỡng mang đến trải nghiệm đẳng cấp và dịch vụ cá nhân hóa, được phục vụ bởi đội ngũ nhân viên tận tâm, chuyên nghiệp.




Villa Le Corail, A Gran Meliá Hotel. Ảnh: KDI Holdings

Villa Le Corail, A Gran Meliá Hotel. Ảnh: KDI Holdings

Chương trình bình chọn “Dự án đáng sống” bước sang năm thứ 7, có sự tham gia của hội đồng cố vấn chuyên môn là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng và du lịch. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng chặt chẽ, bao gồm những yếu tố về vị trí, quy hoạch, thiết kế, tiện ích, chất lượng xây dựng, quản lý vận hành, pháp lý, môi trường, cộng đồng và đóng góp xã hội.

KDI Holdings là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng – giải trí – nghệ thuật, du thuyền hạng sang, giáo dục STEM, nông nghiệp công nghệ cao, nội thất cao cấp. Sau hơn một thập niên xây dựng và phát triển, doanh nghiệp không ngừng kiến tạo nên những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, chất lượng trong từng lĩnh vực.

Hải My

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay nhà xã hội

Chính phủ đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm.

Theo dự thảo nghị quyết đang lấy ý kiến, gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội sẽ thực hiện tới 2030. Giai đoạn 2025-2029, mỗi năm nguồn lực cần bố trí cho gói ưu đãi này khoảng 16.500 tỷ đồng. Riêng 2030, số vốn cần là 17.500 tỷ.

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu nguồn lực cho gói này từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội phải xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan này cũng cần ưu tiên phân bổ gói 100.000 tỷ ổn định và báo cáo kết quả hàng quý.

Tiêu chí, điều kiện vay của gói áp dụng theo Nghị định 100/2024. Theo đó, người dân được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng. Lãi suất bằng mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định, chẳng hạn hiện mức này là 6,6% một năm. Thời hạn vay tối đa 25 năm.




Khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại tờ trình dự thảo nghị quyết, Bộ Xây dựng cho biết đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ cần nguồn lực lên đến 500.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 50% nhu cầu vay thuộc người mua nhà, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Song hiện mới có gói 120.000 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại chủ động cân đối và vốn ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội. So với nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội đến 2030, gói 120.000 tỷ chiếm khoảng 24%. Do đó, cần thêm gói tín dụng ưu đãi để đảm bảo mục tiêu cả nước có 1 triệu căn nhà ở xã hội 5 năm tới.

Bộ này ước tính gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu vốn phát triển loại nhà này tới 2030.

Thực tế, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vừa qua chưa hiệu quả. Tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.295 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại người mua nhà. Nhiều doanh nghiệp và người mua phản ánh lãi suất còn cao trong khi thời gian hưởng ưu đãi suất ngắn, trong 3-5 năm.

Trước đó, trong báo cáo về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá việc triển khai đề án xây một triệu căn nhà xã hội chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Theo báo cáo, việc triển khai còn bị động, do ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Vì thế, phần lớn dự án xây bằng nguồn lực ngoài nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp không mặn mà việc xây nhà cho công nhân.

Ngọc Diễm

Phiên đấu giá trả ’30 tỷ đồng một m2′ diễn ra thế nào

Hà NộiTại vòng thứ 5 của phiên đấu giá, 36 thửa đất được nhóm khách ra giá cao bất thường rồi bỏ, trong đó ông Phạm Ngọc Tuấn trả tới 30 tỷ một m2 cho 3 thửa đất.

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng một m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6). Ông Tuấn trú tại tổ 4, thị trấn Đông Anh.

Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Ngọc Tuấn (1991) cho biết tham gia phiên đấu giá vì có nhu cầu thật. Ông lựa chọn lô hướng Tây vì hợp mệnh với người thân và cho rằng quỹ đất còn thửa diện tích 150-200 m2 ở Hà Nội không còn nhiều. Tuy nhiên, ông nói “không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy”. Khi phiên đấu đến vòng thứ 4 xuất hiện người trả mức giá 95 triệu đồng một m2 khiến hội trường bất ngờ.

Cuối cùng, ông quyết định trả giá lên đến 30 tỷ một m2 đất tại Sóc Sơn “theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp”. Sau đó, không khí phiên đấu giá diễn ra hỗn loạn, “nhiều người lăng mạ, chửi bới” nên ông trả mức như trên rồi quyết định dừng lại. Ông Tuấn cho biết “không có ý định phá phiên đấu giá”, nếu không xảy ra tình trạng hỗn loạn trên, người này “thậm chí muốn lấy một lô ở vòng 6”.




Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Khách hàng Ngô Văn Dương trả 101,4 triệu đồng một m2 cho 13 thửa đất. 2 khách hàng gồm Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung trả 98,4 triệu một m2 cho 10 thửa đất. Nhóm 3 người này đều ở Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội.

Tương tự, 10 lô đất khác cũng được bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên và ông Nguyễn Đức Thành trả giá lần lượt 50,4 triệu đồng một m2; 59,4 triệu một m2; 62,4 triệu một m2; 68,4 triệu một m2. Bà Liên ở Khối Phố, Nguyên Khê, Đông Anh, còn ông Thành ở TP Bắc Ninh.

Đến vòng đấu cuối cùng – vòng 6, các khách hàng này không tiếp tục trả giá 36 thửa đất trên nữa. Vì vậy, các lô đó không thể đấu giá thành công.

Kết thúc buổi đấu, chỉ có 22 trên tổng số 58 thửa đất được bán thành công. Giá trúng thấp nhất là 32,4 triệu đồng một m2 và cao nhất 50,4 triệu một m2. Nếu khách hàng trúng nộp đủ tiền, huyện Sóc Sơn sẽ thu về hơn 112 tỷ từ phiên đấu giá này.

Theo một lãnh đạo huyện Sóc Sơn, đơn vị này sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức bán lại 30 thửa đất có dấu hiệu bị “phá” hôm 29/11.




Vị trí khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 11/2024. Đồ họa: Gia Linh

Vị trí khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 11/2024. Đồ họa: Gia Linh

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Thậm chí, việc xử lý mới chỉ xem xét đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Các chế tài hành chính, hình sự với các hành vi này nếu có, cần phải do cơ quan có thẩm quyền làm rõ.

Với trường hợp tại Sóc Sơn, luật sư cho biết vụ việc có yếu tố hình sự hay không do cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét.

“Tuy nhiên hệ lụy có thể nhìn thấy từ tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang là thị trường nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận”, ông Tuấn cho hay.

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. “Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản”, Thủ tướng cho biết.

Sau đó, các Bộ, ngành, TP Hà Nội cũng liên tiếp có thêm các chỉ đạo, đề xuất để ngăn chặn tình trạng này. Một số huyện tại Hà Nội cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.

Từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều huyện ngoại thành sau quá trình rà soát đã bắt đầu tổ chức lại các phiên đấu giá. Hoạt động này cũng giảm nhiệt đáng kể như ở Hoài Đức, các phiên đấu giá gần đây lượng người tham gia giảm 3-4 lần so với hai tháng trước.

9 tháng đầu năm, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Võ Hải – Anh Tú – Ngọc Diễm

Hòa Bình sẽ có khu đô thị sinh thái gần 1.500 tỷ đồng

Khu đô thị sinh thái số 4 xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu đô thị sinh thái số 4 có tổng diện tích gần 65 ha, cách hồ Đầm Bài hơn 3 km, quy mô dân số khoảng 2.500 người.

Tổng vốn đầu tư dự án này gần 1.500 tỷ đồng, đã gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư 65 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 6 năm, dự kiến đưa vào vận hành và khai thác từ quý III/2030.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành tổ hợp đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, bảo tồn, chăm sóc sức khỏe hiện đại, kết nối hài hòa với thiên nhiên.

Trước đó, HĐND tỉnh Hòa Bình đã duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 40 ha đất rừng sản xuất để thực hiện khu đô thị sinh thái này. Khu đất này đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch ba loại rừng.

Vài năm gần đây, Hòa Bình trở thành một trong những thị trường vùng ven Hà Nội phát triển mạnh các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng nhờ lợi thế du lịch của địa phương. Nhiều chủ đầu tư đã hiện diện tại thị trường này như Geleximco, Sudico, Lã Vọng…

Các dự án tập trung tại thành phố Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn. Hiện nay, cùng diễn biến chung, thị trường bất động sản Hòa Bình vẫn trong giai đoạn trầm lắng, giao dịch ảm đạm.

Đình Trí