Tiền của tôi

Những lưu ý khi đầu tư cổ phiếu vừa và nhỏ

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá nhanh gấp đôi so với thị trường chung nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phân tích kỹ lưỡng, theo chuyên gia.

Chứng khoán khép lại năm 2023 với VN-Index tăng 12,2%. Thị trường năm ngoái được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMidcap) và nhỏ (VNSmallcap). Theo thống kê của nền tảng theo dõi dữ liệu chứng khoán toàn thế giới Investing, nhóm VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt hơn 32% và gần 29%, cao hơn nhiều so với mức tăng hơn 12% của VN-Index. Các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE đều là các mã vừa và nhỏ như VIX, CTD, BSI, FTS, QCG…

Nếu tính đến trước Tết Nguyên đán, hiệu suất của các cổ phiếu vừa và nhỏ còn cao hơn. VNMidcap tích lũy hơn 37% so với đầu năm 2023, còn VNSmallcap tăng gần 32,5%. Hai mức này cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của thị trường chung.

Ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC – TCI) – lý giải hiệu suất nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cao hơn hẳn thị trường vì chỉ số chung bị tác động chủ yếu bởi nhóm vốn hóa lớn như VN30 và ngân hàng.

“Chính vì vậy có thể xem đây là sự so sánh giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với nhóm vừa và nhỏ”, ông nói.

Theo chuyên gia, về bản chất, giá cổ phiếu có sự liên kết chặt chẽ với việc tăng trưởng của các doanh nghiệp như doanh số, lợi nhuận, quy mô công ty. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đang trong giai đoạn tăng trưởng chính, vì vậy dư địa phát triển cũng nhiều hơn so với các “ông lớn”. Với tính chất rủi ro cao hơn, biến động cổ phiếu thường lớn hơn và bản thân các nhà đầu tư cũng yêu cầu một mức tỷ suất lớn hơn.

Ông Trung dẫn nghiên cứu về thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn 1927-2009 cho thấy, cổ phiếu doanh nghiệp vốn hóa nhỏ thường có tỷ suất sinh lời tốt hơn cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa lớn với tỷ lệ trung bình là 3,6% một năm. Ở Việt Nam, tính từ tháng 8/2015 đến nay – thời điểm ba chỉ số VN30, VNMidcap và VNSmallcap cùng tồn tại, tốc độ tăng trưởng kép tổng lợi nhuận (bao gồm cổ tức) của các chỉ số này lần lượt là 9,5%; 14,3% và 12,9%.

Tuy nhiên, ông Trung lưu ý việc nhiều người thành công ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không đồng nghĩa với việc cứ rót tiền vào nhóm VNMidcap và VNSmallcap đều sinh lợi. Nhà đầu tư dễ đưa ra quyết định sai lầm nếu quên rằng thị trường vẫn có nhiều người thất bại khi bỏ vốn cho các nhóm cổ phiếu kể trên.

Năm ngoái, quỹ đầu tư tiếp cận thị trường (VESAF) của VinaCapital đạt hiệu suất tăng trưởng gần 31%, cao thứ hai toàn thị trường. Đây là quỹ đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết có vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu có giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là các cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán – xác nhận rằng trong phần lợi nhuận vượt trội hơn thị trường của các quỹ mà VinaCapital quản lý, có một phần đáng kể đóng góp từ các cổ phiếu vừa và nhỏ. “Tuy nhiên, không phải là cứ tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là sẽ có lợi nhuận vượt trội”, bà nhấn mạnh.

VinaCapital cho biết họ đã tiến hành đo lường mức độ rủi ro của từng nhóm cổ phiếu. Nhóm vừa và nhỏ trên thị trường nói chung luôn có mức độ rủi ro cao hơn nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, những cổ phiếu vừa và nhỏ mà quỹ này lựa chọn lại có mức độ rủi ro thấp hơn thị trường chung và đem lại lợi nhuận vượt trội hơn.

“Điều đó cho thấy yếu tố cốt lõi mang đến kết quả đầu tư tích cực của các quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý là lựa chọn đúng cổ phiếu. Cho dù là cổ phiếu vốn hóa lớn hay vừa và nhỏ, nếu mua vào những cổ phiếu không có nền tảng cơ bản, sẽ không thể có lợi nhuận vượt trội so với thị trường, đồng thời rủi ro là rất lớn”, bà Thu chia sẻ.

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một sàn giao dịch chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một sàn giao dịch chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuyên gia VinaCapital lưu ý rằng, các cổ phiếu vừa và nhỏ nhìn chung có mức độ rủi ro cao hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có những cổ phiếu, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, có rủi ro thấp đồng thời có khả năng mang lại lợi nhuận vượt trội. Yếu tố quyết định kết quả đầu tư là phải nhìn nhận ra và lựa chọn được những cổ phiếu này.

Với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, việc lựa chọn cổ phiếu không dễ dàng do họ dễ bị ảnh hưởng tâm lý theo hướng giao dịch bất lợi (mua cao, bán thấp theo xu hướng tâm lý đám đông), giao dịch tần suất cao nhưng lại không hiệu quả khi nghe theo các tin tức thiếu kiểm chứng, mua bán không căn cứ vào giá trị nội tại của doanh nghiệp. Do đó, lời khuyên của VinaCapital là nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh khi tham gia thị trường, phân tích mọi thông tin một cách thấu đáo, đầu tư với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung cũng nhắc các nhà đầu tư cần nhớ rõ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có rủi ro cao hơn, thanh khoản thấp hơn và dễ bị “tác động” hơn. Vì vậy chỉ những người có khẩu vị rủi ro vừa và cao mới phù hợp cho nhóm cổ phiếu này.

“Dù đầu tư bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cũng cần một quá trình phân tích kỹ lưỡng về vĩ mô ngành, năng lực lãnh đạo, tình hình kinh doanh, tài chính và định giá doanh nghiệp, từ đó hiểu rõ về rủi ro và thành quả của mỗi trường hợp đầu tư tham gia”, chuyên gia TCSC nói thêm.

Tất Đạt

Đầu tư cổ phiếu nào trong năm nay?

Cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp… đang được khuyến nghị nhiều.

Dự báo về thị trường chứng khoán năm nay, các quỹ đầu tư, đơn vị phân tích thị trường và công ty chứng khoán đều đồng thuận rằng VN-Index có thể tăng 15-25% về điểm số nhờ sự hỗ trợ chính từ nền lãi suất thấp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên. Các đơn vị cùng chung dự báo rằng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi ít nhất 15-20% trong năm nay. Tuy nhiên mức độ phục hồi có sự phân hóa lớn giữa các ngành. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát, phân tích và chọn lọc kỹ để tối ưu danh mục.

Theo VinaCapital, nếu biết lựa chọn khéo léo về ngành và cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội mang về hiệu quả vượt trội hơn mặt bằng chung thị trường. Trong năm nay, quỹ ngoại này ưa chuộng các cổ phiếu công nghệ thông tin, ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng không thiết yếu và nhóm chứng khoán. Riêng nhóm hàng tiêu dùng và bất động sản được dự báo có mức phục hồi lợi nhuận tốt hơn hẳn do mức nền thấp của năm trước.

Ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, phân tích rằng các công ty tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi đang tiếp diễn trong chi tiêu của người dân với tổng doanh số bán lẻ loại trừ yếu tố lạm phát dự đoán tăng 7,5%. Theo đó, ông kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này sẽ hồi phục từ mức giảm 22% trong năm trước, lên tăng 33% năm nay.

Ngoài ngành tiêu dùng, các nhà phát triển bất động sản (trừ Vinhomes) cũng được VinaCapital đánh giá hưởng lợi từ sự phục hồi khiêm tốn năm nay. Dự kiến, lợi nhuận các doanh nghiệp từ mức giảm 51% lên tăng 109% trong năm 2024. Như vậy so với mặt bằng chung toàn thị trường, ngành tiêu dùng và bất động sản có tăng trưởng lợi nhuận lần lượt lớn gấp đôi và gấp 5 lần.

VinaCapital nói ngoài lựa chọn những nhóm ngành nêu trên, lựa chọn từng cổ phiếu cũng quan trọng. Thị trường chứng khoán có hàng trăm mã cỡ nhỏ và vừa, là một nguồn cơ hội tiềm năng để có lợi nhuận vượt trội thị trường khi năm ngoái, các cổ phiếu này đều tăng khoảng 30%, vượt xa hiệu suất tổng thể. Tuy nhiên quỹ này lưu ý đây là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, như chính VinaCapital. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ không được theo dõi sát sao hoặc hiểu rõ bởi nhà đầu tư bán lẻ trong nước.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một sàn giao dịch chứng khoán ở TP HCM, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một sàn giao dịch chứng khoán ở TP HCM, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Với phương pháp ưu tiên những ngành tăng trưởng lợi nhuận tốt, Dragon Capital cũng vừa công bố danh mục đầu tư hiện tại. Trong đó, quỹ DCDE đang rót tiền nhiều nhất vào các ngành ngân hàng, bán lẻ, bất động sản dân cư, công nghệ thông tin, thép, hóa chất và chứng khoán. Theo dự báo của quỹ ngoại này, các ngành kể trên đều có triển vọng tăng lợi nhuận với tốc độ hai con số trong năm nay. Cao nhất là bán lẻ với gần 153%, theo sau là nhóm thép (47%) và hóa chất (39%).

Bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận, Dragon Capital còn cho rằng đây là những nhóm có mức độ biến động thấp hơn mức chung của thị trường, phù hợp với chiến lược cẩn trọng nhất định của quỹ này. Các chuyên gia lưu ý, nhà đầu tư không thiết lập một danh mục quá phụ thuộc vào một ngành nào đó để tránh khi xuất hiện rủi ro sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ số tiền đã rót vào thị trường.

Các công ty chứng khoán cũng gợi ý nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu trong năm nay thông qua triển vọng tăng trưởng lợi nhuận từng ngành. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ tiếp tục rõ nét hơn đặt trong bối cảnh mức độ biến động lớn của thị trường.

“Nhà đầu tư cần vừa sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp có triển vọng tốt, vừa chú ý lựa chọn thời điểm giải ngân khi giá cổ phiếu vẫn đang được giao dịch ở vùng định giá hợp lý để đảm bảo mục tiêu quản trị rủi ro”, nhóm phân tích này lưu ý.

Theo VCBS, mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và vẫn có thể giảm thêm, làn sóng chuyển dịch một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc, hoạt động đầu tư công vẫn tiếp tục là điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian tới. Do đó, các ngành được hưởng lợi sẽ là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Với nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu dài hạn cho mục tiêu tích sản, VCBS gợi ý có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông, các nhóm tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…

Tất Đạt

Chọn kênh đầu tư nào khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy?

Lãi suất xuống thấp, nhưng các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản không phải là lựa chọn quá hấp dẫn trước những yếu tố bất định của vĩ mô.

Gửi tiết kiệm

Thời gian qua, các ngân hàng liên tục hạ mạnh lãi suất tiền gửi. Khảo sát vào đầu tháng 10 của VnExpress cho thấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số nhà băng lớn đã về dưới 5,5% một năm, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, một bộ phận nhà đầu tư gửi tiền đã dịch chuyển sang các kênh có khả năng sinh lời cao hơn, như chứng khoán. Tuy nhiên, “bài học” của giai đoạn nửa cuối năm 2022 – chứng khoán lao dốc hay “bong bóng” bất động sản đầu cơ xì hơi quá nhanh – khiến sự dịch chuyển không quá ồ ạt.

“Nhà đầu tư có thể chỉ chuyển một phần tiền tiết kiệm qua đầu tư chứng khoán, bởi lo ngại việc all-in rồi gặp rủi ro như cuối năm 2022”, ông Nguyễn Thế Minh nói. Điều này có thể là nguyên nhân khiến gửi tiết kiệm, dù lãi suất thấp, vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn.

Ngoài ra, theo ông Phạm Hoàng Quang Kiệt – Phó trưởng phòng Nghiên cứu và phân tích tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng chạm đáy với diễn biến hiện tại của nền kinh tế.

Dư địa giảm lãi suất thời điểm này không còn cao do Ngân hàng Nhà nước khó duy trì thanh khoản dư thừa khi tỷ giá chịu áp lực. Tín dụng quý cuối năm cũng thường tăng nhanh sẽ khiến các nhà băng khó hạ thêm lãi suất. Cùng với việc áp dụng tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn mới, theo dự báo của ông Kiệt, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến hết quý I năm sau.

Chứng khoán

Xét từ đầu năm 2023, VN-Index đã tăng hơn 14%, tuy nhiên diễn biến của thị trường không phải một đường đi lên.

Chỉ số của sàn HoSE tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm rồi chững lại, đi ngang cho tới cuối tháng 4. Ba tháng sau đó, VN-Index vọt hơn 20%, từ vùng 1.035 lên gần 1.250 điểm. Dù vậy, mức đỉnh ngắn hạn không giữ được lâu. Chỉ số của HoSE lần thứ hai chạm 1.250 điểm vào tháng 9 rồi điều chỉnh về sát ngưỡng 1.100 điểm, mất hơn 11% chỉ trong hơn một tháng.

Một điểm khác biệt so với những nhịp tăng trong giai đoạn 2021 là tâm lý thị trường.

Lãi suất và chứng khoán được đánh giá là ngược chiều nhau khi lãi suất tăng, chứng khoán giảm và ngược lại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại khi lãi suất liên tục xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn không đột biến. Dù có lúc VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 20%, dòng tiền vẫn khá thận trọng.

Theo các chuyên gia, diễn biến vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường, cùng “bài học” từ nhịp giảm sâu của thị trường nửa cuối năm 2022 với nhiều điểm tương đồng với bối cảnh hiện nay, khiến nhà đầu tư không còn “all-in” vào một kênh có mức độ rủi ro cao như chứng khoán.




Giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại Quận 1, TP HCM vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại Quận 1, TP HCM vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Giám đốc khối Đầu tư của VinaCapital – cho rằng thị trường sẽ còn biến động trong ngắn hạn, cũng là “diễn biến bình thường và dễ hiểu” vì VN-Index đã có nhịp tăng tốt trong thời gian dài. Theo chuyên gia từ VinaCapital, nhà đầu tư dài hạn không nên lo lắng bởi về lâu dài chứng khoán sẽ diễn biến tích cực với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, mức định giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý, thị trường trong năm sau có thể còn nhiều rủi ro khi diễn biến vĩ mô nhiều yếu tố bất định, về khả năng suy thoái ở các nền kinh tế lớn, Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ hay căng thẳng địa chính trị. Trong nước, các vấn đề về đáo hạn nợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, lạm phát hay áp lực tỷ giá sẽ là những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.

Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Nghiên cứu phân tích Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN), cho rằng thị trường chứng khoán trong 6 tháng tới có thể mang nhiều nét tương đồng so với năm 2013 khi bối cảnh kinh tế khá giống nhau như bất động sản đóng băng, nợ xấu trong ngân hàng có xu hướng tăng.

Thực tế trong năm 2013, VN-Index tăng mạnh trong nửa đầu năm, sau đó có mức điều chỉnh khá lớn. Nhưng nhờ nới lỏng tiền tệ, giảm nợ xấu và các chính sách điều hành khác, thị trường đón làn sóng tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

MSVN cho rằng thị trường chứng khoán thời gian tới cũng phục hồi tương tự, vì nền kinh tế Việt Nam hiện tại có nhiều điều kiện tích cực hơn hẳn thời điểm 2013.

Bất động sản

Theo ông Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Chính phủ gỡ pháp lý cho các dự án là tín hiệu tốt, nhưng phải có thêm thời gian để khơi thông hẳn các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt và dư địa tăng tín dụng lớn, nhưng các nhà băng vẫn còn rụt rè cho vay bất động sản.

Thời gian qua, một số chủ đầu tư đã bắt đầu mở bán trở lại. Tuy nhiên, ông Quang nói đây chỉ là bước thăm dò thị trường. Về phía khách hàng, họ bắt đầu tham gia kênh này nhưng chỉ chuộng phân khúc có nhu cầu thực và vị trí khu trung tâm. Cả hai phía tạo ra độ “nén” về đầu tư. Do đó, những tháng cuối năm có thể xuất hiện yếu tố mùa vụ giúp hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên ở giai đoạn này, ông Quang lưu ý không phải ai cũng phù hợp để rót tiền vào bất động sản. Chuyên gia này nhận định có hai đối tượng có thể cân nhắc tham gia.

Thứ nhất là những người có nhu cầu mua ở thực, mong muốn sở hữu bất động sản phát sinh từ gia tăng dân số, kết hôn và di cư, nhất là các đại đô thị. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm mạnh, lãi suất đang hạ nhiệt và nhóm này cũng dễ được ngân hàng ưu tiên cho vay hơn, đây là thời điểm tốt để họ mua được sản phẩm vừa ý.

Thứ hai là những nhà đầu tư lâu năm thoát được đợt khủng hoảng vừa qua. Nhóm này có sẵn kinh nghiệm để chọn sản phẩm, thương lượng giá cả và tìm cách tiếp cận vốn. Với đặc trưng sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, trong bối cảnh lãi suất giảm, nhà đầu tư lâu năm dễ có lợi nhuận hơn giai đoạn trước.

Ông Quang khuyên những nhà đầu tư mới tham gia thị trường cần cân nhắc và nghiên cứu cẩn thận trước khi rót tiền. Hiện tại bất động sản giảm giá mạnh nhưng để hiểu rõ về một sản phẩm, đòi hỏi người mua phải có nhiều kiến thức và kỹ năng. Theo ông, nhà đầu tư mới nên tránh các bất động sản mập mờ về pháp lý, tránh các khu vực mà bản thân thiếu thông tin và có vị trí quá xa những đại đô thị.

Vàng và USD

Giá vàng trong nước có xu hướng đi lên trong hơn hai tháng qua, tổng cộng đã tăng 2 triệu đồng một lượng. Vàng SJC từ giữa tháng 9 tới nay duy trì giá bán ra quanh 69 triệu đồng một lượng.

Tương tự, tỷ giá đôla Mỹ trên thị trường ngân hàng và tự do gần đây đạt mức cao nhất 9 tháng qua, quanh ngưỡng 24.000-24.500 đồng đổi 1 USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, đà tăng của đồng bạc xanh có thể chỉ mang tính ngắn hạn. “Mọi người đang lo ngại về tỷ giá, nhưng USD sẽ khó tăng nóng như năm 2022”, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhận xét.

Năm ngoái, tỷ giá “nổi sóng” trong quý III khi giá USD ngân hàng lập đỉnh, lên sát 24.900 đồng. Tỷ giá ngân hàng có lúc tăng lên gần 8,5% so với đầu năm, trước khi hạ nhiệt vào tháng cuối năm. Đợt tăng nóng của tỷ giá năm 2022 diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nới biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%, trước diễn biến quốc tế khó lường khi xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Còn với diễn biến tăng gần đây của đồng bạc xanh, ông Minh cho rằng do tình hình lạm phát tăng trong ngắn hạn. Chỉ số CPI chung và cơ bản của Mỹ trong tháng 8 lần lượt tăng 3,7% và 4,3% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức tăng 3,2% và 4,2% của tháng trước đó. Ngược lại, doanh thu bán lẻ vẫn duy trì tốc độ tăng tích cực. Điều này đã giúp cho chỉ số DXY duy trì được sức mạnh.

Theo chuyên gia này, triển vọng trung và dài hạn của USD vẫn trong xu hướng giảm, bởi đồng bạc xanh đang “xoay” khá nhiều theo xu hướng chính sách của Fed. Đà tăng lãi suất liên tục từ năm 2022 đang dần đạt tới đỉnh và sau đó có thể đi ngang hoặc giảm. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng trở lại khi tình hình lạm phát dần hạ nhiệt.

Theo ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, xét về xu hướng, ngoại tệ và vàng có tính tương phản. Trong giai đoạn trung hạn, với lãi suất Mỹ đang vùng đỉnh lịch sử, xu hướng giảm trong hai năm tới sẽ khả thi hơn. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ về giá cho vàng trong thời gian tới.

Tỷ giá USD đang ở ngưỡng mà Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều tiết, nên dư địa tăng của tỷ giá không nhiều. Vàng vẫn là kênh phòng thủ và lợi suất tăng trưởng bình quân của vàng trong nước không quá 9% trong 10 năm qua, nên chuyên gia này không khuyến nghị tăng tỷ trọng quá 10% trên tổng tài sản.

Minh Sơn – Tất Đạt

Đầu tư cổ phiếu kết hợp trái phiếu trong thị trường giá xuống

Phân bổ tài sản cho cả cổ phiếu và trái phiếu theo mô hình 60/40 để hạn chế rủi ro được các chuyên gia xem là chiến lược đầu tư tốt thời gian tới.

Danh mục đầu tư 60/40 là mô hình phân chia tài sản thành 60% vốn cho cổ phiếu và 40% dành cho trái phiếu. Đây là một danh mục đầu tư truyền thống có mức độ rủi ro vừa phải. Khi cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả, trái phiếu sẽ đóng vai trò bệ đỡ và hỗ trợ vì chúng thường có diễn biến trái chiều nhau.

Báo cáo mới đây của Vanguard – một trong những công ty quản lý đầu tư hàng đầu thế giới cho thấy, các danh mục đầu tư 60/40 đã giảm khoảng 16% giá trị ròng trong năm 2022. Đơn vị này nhận định, năm 2022 trở thành giai đoạn khó khăn đối với các nhà đầu tư theo đuổi mô hình cân bằng cổ phiếu và trái phiếu, làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của chiến lược này.

John Bilton – Trưởng bộ phận Chiến lược đa tài sản toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, cho rằng yếu tố khách quan chính là nguyên nhân khiến mô hình đầu tư này gặp khó khi cả cổ phiếu và trái phiếu đều bị thua lỗ đáng kể. “2022 là một năm khó khăn với tất cả nhà đầu tư, không có cách nào tránh khỏi”, ông nói.

Thực tế nếu xét trong dài hạn, danh mục đầu tư 60/40 vẫn thu được kết quả tích cực. Theo tính toán của Vanguard, lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2012-2022 của mô hình này là 6,1%. Nếu tính giai đoạn 9 năm, tỷ suất sinh lời hàng năm lên đến 8,9%.

Ziqi Tan – chiến lược gia đầu tư của Vanguard, cho biết: “Chứng khoán đang được định giá thấp khiến triển vọng lợi nhuận và kịch bản rủi ro trong trường hợp xấu nhất đối với danh mục đầu tư 60/40 được cải thiện đáng kể”.

Nhóm chuyên gia JP Morgan xem xét 200 loại tài sản và chiến lược chính để dự báo lợi nhuận trong khoảng thời gian đầu tư 10-15 năm tới. Kết luận đưa ra là các nguyên tắc cốt lõi của đầu tư vẫn là chiến lược vững chắc, trong đó có mô hình 60/40.

Danh mục đầu tư 60/40, như tên gọi của nó, yêu cầu nhà đầu tư phải phân bổ 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Nhưng trước khi thật sự rót tiền, các chuyên gia CNBC khuyên những người mới tham gia thị trường nên suy nghĩ về mức độ chấp nhận và khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân. Danh mục đầu tư 60/40 có rủi ro vừa phải, nhưng nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp, nhà đầu tư có thể điều chỉnh tỷ lệ phân bố cổ phiếu và trái phiếu cho phù hợp.

Đối với những người mới, ETF được xem là một cách đơn giản với chi phí thấp để tham gia chiến lược 60/40. ETF (Exchange Traded Fund) là loại quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán tương tự cổ phiếu. Đây được xem là một cách đầu tư chứng khoán thụ động.

Nếu muốn chủ động hơn, nhà đầu tư có thể tự phân bổ tài sản. Trái phiếu chính phủ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho 40% tài sản. Phần còn lại phụ thuộc vào cách nhà đầu tư chọn cổ phiếu. Cần lưu ý, ngay cả những cổ phiếu hoạt động tốt trong lịch sử cũng có thể xuất hiện rủi ro. Cách an toàn là không nên “cho trứng vào một giỏ”, cần đa dạng danh mục cổ phiếu theo nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp để tránh bị lỗ nặng nếu một mã nào đó giảm giá mạnh.

Danh mục 60/40 là cách đầu tư đơn giản, nhưng có một số nhược điểm cần xem xét. Robert Johnson, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh Heider thuộc Đại học Creighton, nói với công ty cố vấn đầu tư SmartAsset Advisors rằng: “Bất lợi lớn nhất là về lâu dài, mô hình 60/40 sẽ hoạt động kém hơn danh mục đầu tư toàn cổ phiếu. Và trong khoảng thời gian rất dài, nó sẽ hoạt động kém hiệu quả đáng kể do ảnh hưởng của lãi suất kép”.

Nói cách khác, nhà đầu tư phải đánh đổi lợi nhuận lớn để có được sự an toàn. Theo dữ liệu của Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), tính đến năm 2021, tỷ suất sinh lãi của cổ phiếu trong 21 năm đạt gần 16% trong khi trái phiếu chỉ hơn 9%.

Tóm lại, danh mục đầu tư 60/40 phù hợp với người có khả năng chấp nhận rủi ro kém, điều kiện không cho phép bản thân theo đuổi một danh mục đầu tư toàn bộ cổ phiếu. Mô hình này cũng được nhiều chuyên gia khuyên phù hợp với những người gần đến tuổi nghỉ hưu, thường muốn giảm tiếp xúc với cổ phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu hoặc thu nhập cố định, tạo ra lợi nhuận ổn định.

Tiểu Gu

Đường MACD là gì?

MACD là chỉ báo kỹ thuật thông dụng khi phân tích chứng khoán, phản ánh biến động và cung cấp tín hiệu mua bán của thị trường.

Đường MACD (Moving Average Convergence Divergence) hay còn được gọi là đường trung bình động hội tụ phân kỳ. Đường MACD ra đời từ năm 1979 bởi nhà phát minh Gerald Appel. Đây được coi là một trong những chỉ báo kỹ thuật phổ biến và thông dụng trong phân tích đầu tư chứng khoán.

MACD là giá trị tìm được khi lấy đường trung bình động (EMA) 12 ngày trừ đi đường trung bình động 26 ngày.

MACD = EMA (12) – EMA (26)

Theo đó, nếu giá trị trung bình trượt 12 ngày lớn hơn giá trị trung bình trượt 26 ngày thì MACD dương. Ngược lại, nếu giá trị trung bình 12 ngày nhỏ hơn giá trị trung bình 26 ngày thì MACD âm.

Khi phân tích, bên cạnh đường MACD cơ bản còn có đường tín hiệu. Đường tín hiệu sẽ là đường trung bình động EMA 9 ngày của MACD. Sử dụng kết hợp phân tích đường tín hiệu với đường MACD có thể giúp phát hiện các điểm ra và điểm vào của thị trường.

Nếu đường MACD giao với đường tín hiệu từ dưới lên sẽ báo hiệu giá sẽ tăng hơn mức hiện tại. Đây là tín hiệu để các nhà đầu tư cân nhắc mua vào.

Nếu đường MACD vượt đường tín hiệu từ trên xuống báo hiệu giá đang trên đà giảm. Khi này các nhà đầu tư cân nhắc vào lệnh bán.

Thông thường, đường MACD được thể hiện bằng màu xanh, còn đường tín hiệu được thể hiện bằng màu đỏ.

Đường MACD (màu xanh) đi xuống dưới đường tín hiệu (màu đỏ).

Đường MACD (màu xanh) đi xuống dưới đường tín hiệu (màu đỏ).

Biểu đồ MACD cũng có thể cung cấp tín hiệu qua sự phân kỳ/hội tụ giữa đường MACD và diễn biến giá của chứng khoán.

Thường thì khi giá cổ phiếu đi lên thì đường MACD cũng đi lên và ngược lại. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, khi đó sẽ xảy ra phân kỳ hoặc hội tụ.

Nếu giá cổ phiếu đang trong xu hướng đi lên nhưng đường MACD đi xuống, như biểu đồ ở dưới đây, 2 đường màu đỏ đi theo 2 hướng xa nhau, đó gọi là phân kỳ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra phân kỳ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra phân kỳ.

Điều này cảnh báo cổ phiếu có khả năng đảo chiều từ tăng giá sang giảm giá, nhà đầu tư cân nhắc việc bán cổ phiếu khi phân kỳ xảy ra.

Ngược lại, nếu giá cổ phiếu đi xuống nhưng đường MACD đi lên, 2 đường màu xanh đi theo hướng gần nhau, đây được gọi là hội tụ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra hội tụ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra hội tụ.

Đây là tín hiệu cổ phiếu có thể đảo chiều từ giảm giá sang tăng giá, nhà đầu tư xem xét mua cổ phiếu khi hội tụ xảy ra.

Tuy nhiên, bất cứ một kỹ thuật hay chỉ báo phân tích nào cũng sẽ có những ưu nhược điểm, và chỉ số MACD cũng không ngoại lệ. Chỉ báo MACD không phải lúc nào cũng chính xác và có thể cung cấp tín hiệu sai lệch và gây nhầm lẫn.

Để sử dụng được hiệu quả và thành thạo biểu đồ MACD yêu cầu nhà đầu tư nên linh hoạt với thị trường, cập nhật nhanh chóng cũng như biết được khung thời gian nào hợp lý để MACD hoạt động hiệu quả nhất.

Hơn nữa, nhà đầu tư có thể sử dụng kết hợp MACD với các chỉ báo khác để giảm rủi ro và xác nhận thêm các tín hiệu.