Ebank

Bloomberg: VPBank sắp bán 1,4 tỷ USD cổ phiếu cho Sumitomo Mitsui

VPBank có thể ký thỏa thuận bán hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản vào cuối tháng 3.

Giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, theo nguồn tin của Bloomberg.

Trong đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) có thể phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu cho SMBC Consumer Finance, công ty thành viên của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG), với giá chào bán là 32.000-33.000 đồng mỗi cổ phần.

SMBC và VPBank cũng không phải hai đối tác xa lạ. Đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, Sumitomo Mitsui đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit – công ty con của VPBank.

Đại diện VPBank từ chối bình luận về thỏa thuận này. Trong khi đó, Bloomberg cho biết không thể tiếp cận SMFG và SMBC Consumer Finance ngoài giờ làm việc.

VPBank là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản hơn 631.000 tỷ tính tới cuối năm 2022. Hoạt động chính trong mảng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.

Các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ đôla vào châu Á để cung cấp dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trong khu vực này. Tháng 11, Sumitomo Mitsui đã mua thêm cổ phần của Ngân hàng thương mại Rizal có trụ sở tại Philippines, với giá khoảng 460 triệu USD.

Cổ phiếu VPB của VPBank chỉ tăng hơn 2% trong năm nay, với quy mô vốn hóa khoảng 5,2 tỷ USD và là ngân hàng có giá trị thị trường lớn thứ tư trên sàn chứng khoán. Lãi ròng năm trước đạt 18.200 tỷ đồng, tăng hơn 55% cùng kỳ.

SMBC trước đó là cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007. Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng Eximbank, SMBC rút đại diện khỏi nhà băng từ cuối 2019. Tháng 2/2022, Eximbank chính thức dừng hợp tác liên minh chiến lược với SMBC theo đề nghị của quỹ ngoại này.

Giữa tháng 1, SMBC thông báo đã bán thoả thuận 10,8% vốn Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này về còn 4,27%. Với việc đưa sở hữu về dưới ngưỡng 5%, SMBC không cần công bố thông tin những lần giao dịch sau đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1, Jun Ohta, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui, cho biết công ty này đã thảo luận về việc hợp tác với VPBank.

Minh Sơn

Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.

Sacombank: ‘Nới nhầm room ngoại ảnh hưởng tiêu cực tới kỳ vọng nhà đầu tư’

Sacombank sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước khi bị VSD đột ngột nới “room” ngoại lên 30%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng nhà đầu tư.

Ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.

Ngày 16/2, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD nói với VnExpress, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) vào tháng 5/2021 nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với STB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%”, ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo VSD khẳng định, không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6%. Sacombank hiểu sai cơ quan quản lý kiểm soát room ngoại 23,6% nhưng thực tế đó chỉ là vấn đề kỹ thuật để VSD kiểm soát tỷ lệ sở hữu tại Sacombank là 30% cho đúng số lượng đang niêm yết tại Sở.

Trả lời báo chí ngày 17/2, Sacombank kiên quyết khẳng định: “Ngân hàng không hề hiểu nhầm thông tin. Sacombank yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông”.

Theo đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.

Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.

Sacombank cho biết sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động. Thông tin không rõ ràng về “room” ngoại sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.

“Điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời”, Sacombank cho hay.

Bên cạnh đó, Sacombank nói sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ về vấn đề room ngoại. “Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định nới room. VSD cần có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài”, theo văn bản ngày 17/2 của ngân hàng.

Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11/2022. Sau phiên 11/11, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu STB mỗi phiên. Tới cuối tháng 11/2022, tỷ lệ room ngoại của nhà băng này chính thức vượt 23,6%.

Và chỉ sau hơn ba tháng, đến 9/2/2023, STB cạn room ngoại, tính trên tỷ lệ tối đa 30%.

Quỳnh Trang

Tranh cãi nới nhầm ‘room’ ngoại tại Sacombank

Trung tâm lưu ký chứng khoán nhầm ‘room’ ngoại cho Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thay vì Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank).

Ngày 10/2, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) có thông báo, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) hiện là 29,99%.

Chỉ sau đó 4 ngày, Sacombank phản hồi với không chỉ Trung tâm lưu ký chứng khoán mà cả Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà băng này cho biết, do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), từ 19/9/2016, VSD từng thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB là xấp xỉ 23,63%, tính trên gần 1,9 tỷ cổ phiếu sau sáp nhập. Tuy nhiên tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sacombank theo VSD cung cấp ngày 10/2/2023, lại lên tới 29,99%.

“Sacombank chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”, Sacombank cho hay.

Do đó, Sacombank đề nghị VSD kiểm soát và quản lý room ngoại theo đúng tỷ lệ 23,63% như thông báo ngày 19/9/2016. Thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến cổ đông tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vào thời điểm phù hợp.

Nói với VnExpress chiều 16/2, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD cho biết vào tháng 5/2021, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với STB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%”, ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo VSD khẳng định, không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6%. Sacombank hiểu sai cơ quan quản lý kiểm soát room ngoại 23,6% nhưng thực tế đó chỉ là vấn đề kỹ thuật để VSD kiểm soát tỷ lệ sở hữu tại Sacombank là 30% cho đúng số lượng đang niêm yết tại Sở.

Năm 2015, 400 triệu cổ phiếu Southern Bank chưa được niêm yết nên VSD quản lý tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6% về mặt nội bộ để khi số cổ phiếu này lên sàn, room ngoại tại Sacombank sẽ không quá 30%. Tới 2017, số cổ phiếu này được Sở chấp thuận niêm yết nên VSD quản lý room ngoại của Sacombank là 30% là phù hợp.

Tổng giám đốc VSD cho biết cơ quan này sẽ sớm có văn bản chính thức gửi tới ngân hàng và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11/2022. Ở thời điểm đó, room ngoại của nhà băng này ở mức hơn 20%. Tuy nhiên, sau phiên 11/11, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu STB mỗi phiên.

Phiên 11 và 12/11/2022, khối ngoại đều mua ròng trên 20 triệu cổ phiếu STB. Những phiên sau đó, trạng thái mua ròng được duy trì với quy mô vài triệu cổ phiếu. Chỉ sau hơn ba tháng, đến 9/2, STB cạn room ngoại, tính trên tỷ lệ tối đa 30%.

Một trong những nhà đầu tư tham gia mua vào nhiều nhất trong giai đoạn này là Dragon Capital. Tính tới 10/2, nhóm các quỹ do Dragon Capital quản lý sở hữu tổng hơn 114 triệu cổ phiếu STB, tương ứng hơn 6% vốn điều lệ ngân hàng.

Theo Nghị định 01/2014 của Chính phủ, tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trên thực tế, trước sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), room ngoại của nhà băng này là 30%. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập và chuyển đổi 400 triệu cổ phiếu Southern Bank sang STB, cơ quan quản lý hạ tỷ lệ này xuống khoảng 23,63%. Nếu Sacombank hoàn tất việc tái cơ cấu và có nhu cầu nới room, nhà băng này phải trình Đại hội đồng cổ đông thông qua và gửi yêu cầu lên VSD.

Quỳnh Trang – Minh Sơn

Bà Nguyễn Thị Nga mua thêm gần 3 triệu cổ phiếu SeABank

Sau giao dịch mua thoả thuận 2,8 triệu cổ phiếu SSB, bà Nguyễn Thị Nga và người có liên quan đang sở hữu hơn 16,8% cổ phần tại SeABank.

Phó chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) Nguyễn Thị Nga đã mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB trong ngày 4/8 theo phương thức thoả thuận, tăng số cổ phiếu nắm giữ lên hơn 68,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3,4%.

Con gái bà Nga là Lê Thu Thuỷ, Phó chủ tịch SeABank cũng đang nắm giữ hơn 47,5 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 2,4%.

Sau giao dịch thành công, tổng số cổ phiếu bà Nga và những người thân, công ty liên quan đang sở hữu hơn 332,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 16,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của SeABank.

Cụ thể, chồng bà Nga là ông Lê Hữu Báu nắm gần 3,5%, con trai Lê Tuấn Anh có hơn 2,26%, con gái Lê Thu Thuỷ 2,4%, Công ty Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ sở hữu hơn 5,2% cổ phần ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, vào cuối tháng 9, cả 5 phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á lại đồng loạt đăng ký bán gần 12 triệu cổ phiếu SSB bằng phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, từ 28/7 đến 26/8.

Vào giữa tháng 7, con gái bà Nga là Lê Thu Thuỷ thôi giữ chức tổng giám đốc nhà băng sau 3,5 năm lãnh đạo (hiện vẫn là Phó chủ tịch). Thay vào đó, Phó tổng giám đốc nước ngoài Faussier Loic Michel Marc được bầu phụ trách điều hành ngân hàng.

Nửa đầu năm nay, SeABank lãi trước thuế hợp nhất hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng thu từ tín dụng, dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,65% xuống còn 1,6% vào cuối tháng 6.

Quỳnh Trang

Gấp đôi cùng kỳ, lợi nhuận VietinBank vẫn không lọt vào Top 3

Lợi nhuận riêng quý II tăng gấp đôi lên 5.785 tỷ nhưng VietinBank vẫn bị MB vượt qua và đứng sau Techcombank, VPBank, Vietcombank.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với lợi nhuận trước thuế 5.785 tỷ, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong quý II, lãi thuần từ mảng tín dụng, dịch vụ của VietinBank tăng trưởng khá ở mức hai chữ số so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 10% lên hơn 11.970 tỷ, lãi thuần dịch vụ tăng 15% lên 1.560 tỷ.

Nhà băng này đẩy mạnh được các nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán. Lãi thuần kinh doanh ngoại hối gần 814 tỷ, tăng gần 60% so với cùng kỳ còn lãi từ chứng khoán đầu tư 240 tỷ (cùng kỳ chỉ lãi 22 tỷ). Bên cạnh đó, VietinBank còn ghi nhận khoản lãi khác chủ yếu từ thu hồi nợ đã xử lý ở mức 1.110 tỷ đồng – đi ngang so với cùng kỳ.

Trong quý II, VietinBank kiểm soát chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, yếu tố then chốt khác giúp lợi nhuận quý II của VietinBank bật tăng là tiết kiệm được chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Khoản này giảm 17% so với cùng kỳ xuống còn 5.880 tỷ đồng.

Việc khoản chi phí này giảm được VietinBank giải thích do không còn chịu áp lực từ việc trích lập dự phòng bổ sung cho các khoản nợ tái cơ cấu vì Covid-19. Tới hết tháng 6 năm nay, VietinBank đã trích lập gần đủ dự phòng rủi ro trước lộ trình theo Thông tư 03.

Lợi nhuận bật tăng trong quý II bù đắp khoản lãi tăng trưởng âm 28% trong ba tháng đầu năm. Do đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận mức lãi trước thuế 11.600 tỷ đồng, tăng khiêm tốn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với con số này, lợi nhuận của VietinBank nửa đầu năm đã bị MB vượt qua và vẫn đứng sau các nhà băng khác là Techcombank, VPBank, Vietcombank.

Tính đến hết tháng 6, VietinBank đã sử dụng gần hết room tín dụng 10% được cấp, tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 4% so với đầu năm.

Chất lượng tài sản của VietinBank có khuynh hướng xấu đi khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% hồi đầu năm lên 1,35%, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn tăng gần 130% lên 11.858 tỷ đồng

Quỳnh Trang

Vietcombank lấy lại ngôi đầu bảng lợi nhuận ngành ngân hàng

Sau khi VPBank tạm soán ngôi quán quân vào quý I, Vietcombank lại chứng minh vị thế “anh cả” khi báo lãi kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với lãi trước thuế hơn 17.300 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù các nhà băng chưa công bố hết báo cáo tài chính, với kết quả này, Vietcombank đã lấy lại vị trí quán quân lợi nhuận hệ thống ngân hàng, sau khi quý đầu năm tạm để VPBank soán ngôi. Lợi nhuận VPBank ba tháng đầu năm tăng vọt lên dẫn đầu hệ thống xuất phát từ khoản thu nhập bất thường khi tái ký hợp đồng bảo hiểm với AIA.

Ngoài mức lợi nhuận kỷ lục 17.300 tỷ, Vietcombank còn “khoản để dành” khủng từ quỹ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Nhà băng này tạo kỷ lục mới của hệ thống ngân hàng khi đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 500% vào cuối quý II. Có nghĩa là cứ mỗi 1 đồng nợ xấu, Vietcombank trích lập dự phòng hơn 5 đồng.

Nửa đầu năm, ngân hàng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao khi dư nợ cho vay khách hàng đến tháng 6 tăng 14,6% so với đầu năm lên 1,1 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng với tốc độ chậm hơn (5%) lên 1,195 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61%.

Nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần (chủ yếu từ hoạt động tín dụng) tăng 17% so với cùng kỳ lên 24.770 tỷ. Mỗi mảng kinh doanh khác của Vietcombank mang về lợi nhuận hàng nghìn tỷ, ngang ngửa với kết quả kinh doanh của cả một ngân hàng top dưới.

Luỹ kế 6 tháng, lĩnh vực thế mạnh kinh doanh ngoại hối của Vietcombank thu về lợi nhuận gần 3.000 tỷ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động dịch vụ ngược lại ghi nhận mức lãi thuần giảm hơn 10% xuống 3.400 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đi ngang ở mức 1.365 tỷ.

Quỳnh Trang

Nhiều sếp SeABank đăng ký bán bớt cổ phiếu

4 phó tổng giám đốc của Ngân hàng Đông Nam Á đồng loạt đăng ký bán ra tổng cộng hơn 9 triệu cổ phiếu SSB.

4 Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đăng ký giao dịch với cùng lý do “giảm tỷ lệ sở hữu”. Các giao dịch này dự kiến được thực hiện từ 28/7 đến 26/8, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Cụ thể, Phó tổng giám đốc Hoàng Mạnh Phú muốn bán hơn 3 triệu cổ phiếu SSB trên tổng hơn 6,8 triệu cổ phiếu nắm giữ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về 0,193% nếu giao dịch thành công. Ông Lê Quốc Long và ông Vũ Đình Khoán cũng đăng ký giao dịch hơn 2,9 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu về tương ứng 0,23% và hơn 0,19%.

Giao dịch còn lại là của bà Đặng Thu Trang với khối lượng đăng ký 116.400 cổ phiếu.

Ước tính, 4 lãnh đạo này đăng ký bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu SSB với tổng giá trị thị trường gần 287 tỷ đồng (theo mức giá 31.650 đồng mỗi cổ phiếu SSB, chốt phiên 25/7). Sau khi rớt mạnh về dưới 28.000 đồng, giá cổ phiếu SSB gần đây hồi phục lên vùng 31.000 đồng, tăng 14% so với đầu tháng 6.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện SeaBank cho biết, đây đều là những lãnh đạo cấp cao, có thâm niêm và cam kết làm việc lâu dài cũng như tiếp tục nắm giữ lượng lớn cổ phiếu SSB. Ngoài ra, cuối quý III/2022 ngân hàng này dự kiến phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động để ghi nhận hiệu quả công việc và đóng góp của các cán bộ quản lý và nhân viên.

Ở chiều ngược lại, vào đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Nga – Phó chủ tịch SeABank đăng ký mua vào 2,8 triệu cổ phiếu SSB và dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3,4% (hơn 68,1 triệu cổ phiếu).

Trong tháng 7, nhà băng này vừa có thay đổi nhân sự cấp cao khi con gái bà Nga là bà Lê Thu Thuỷ thôi làm tổng giám đốc. Thay vào đó, Phó tổng giám đốc Faussier Loic Michel Marc được Hội đồng quản trị SeABank cử phụ trách điều hành từ 11/7. Tuy thôi chức tổng giám đốc nhưng bà Lê Thu thuỷ vẫn đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch hội đồng quản trị.

Nửa đầu năm, SeABank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% vào cuối năm ngoái xuống 1,6% vào cuối quý II. Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã phát hành 211,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thêm 109,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua hai đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng từ gần 16.600 tỷ đồng lên hơn 19.800 tỷ đồng.

Quỳnh Trang

Lãnh đạo SeABank đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu

4 phó tổng giám đốc của Ngân hàng Đông Nam Á đồng loạt đăng ký bán ra tổng cộng hơn 9 triệu cổ phiếu SSB.

4 Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đăng ký giao dịch với cùng lý do “giảm tỷ lệ sở hữu”. Các giao dịch này dự kiến được thực hiện từ 28/7 đến 26/8, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Cụ thể, Phó tổng giám đốc Hoàng Mạnh Phú muốn bán hơn 3 triệu cổ phiếu SSB trên tổng hơn 6,8 triệu cổ phiếu nắm giữ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về 0,193% nếu giao dịch thành công. Ông Lê Quốc Long và ông Vũ Đình Khoán cũng đăng ký giao dịch hơn 2,9 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu về tương ứng 0,23% và hơn 0,19%.

Giao dịch còn lại là của bà Đặng Thu Trang với khối lượng đăng ký 116.400 cổ phiếu.

Ước tính, 4 lãnh đạo này đăng ký bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu SSB với tổng giá trị thị trường gần 287 tỷ đồng (theo mức giá 31.650 đồng mỗi cổ phiếu SSB, chốt phiên 25/7). Sau khi rớt mạnh về dưới 28.000 đồng, giá cổ phiếu SSB gần đây hồi phục lên vùng 31.000 đồng, tăng 14% so với đầu tháng 6.

Ở chiều ngược lại, vào đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Nga – Phó chủ tịch SeABank đăng ký mua vào 2,8 triệu cổ phiếu SSB và dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3,4% (hơn 68,1 triệu cổ phiếu).

Trong tháng 7, nhà băng này vừa có thay đổi nhân sự cấp cao khi con gái bà Nga là bà Lê Thu Thuỷ thôi làm tổng giám đốc. Thay vào đó, Phó tổng giám đốc Faussier Loic Michel Marc được Hội đồng quản trị SeABank cử phụ trách điều hành từ 11/7. Tuy thôi chức tổng giám đốc nhưng bà Lê Thu thuỷ vẫn đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch hội đồng quản trị.

Nửa đầu năm, SeABank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% vào cuối năm ngoái xuống 1,6% vào cuối quý II. Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã phát hành 211,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thêm 109,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua hai đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng từ gần 16.600 tỷ đồng lên hơn 19.800 tỷ đồng.

Quỳnh Trang

Techcombank báo lãi kỷ lục hơn 14.000 tỷ đồng

Ngân hàng của tỷ phú Hồ Hùng Anh báo lãi nửa đầu năm tăng hơn 20%, chất lượng tài sản lành mạnh song tỷ lệ CASA có phần kém đi.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với mức lãi trước thuế 14.100 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong top đầu nhà băng lãi cao nhất, Techcombank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Con số 14.100 tỷ cao hơn gần 5% so với mức lãi của quán quân Vietcombank đạt được vào cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ Techcombank đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021. Cơ cấu dư nợ cho vay thể hiện rõ sự chuyển dịch và đẩy mạnh tệp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tính đến hết tháng 6, tiền gửi chảy vào hệ thống Techcombank tăng hơn 2% so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA vốn là thế mạnh của nhà băng này, giảm từ hơn 50% vào cuối quý I xuống 47,5%. Điều này được Techcombank lý giải do khách hàng có xu hướng chuyển dịch sang kênh bất động sản và đầu tư chứng khoán.

Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của ngân hàng ở mức 0,6%, giảm so với mức 0,66% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh trên 170%. Nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giảm từ 1.600 tỷ đồng vào cuối quý I xuống còn 500 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,1% tổng dư nợ.

Nửa đầu năm, thu nhập từ lãi của Techcombank đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (trong 12 tháng) ổn định ở 5,6%.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.400 tỷ đồng. Các dịch vụ thanh toán, thẻ, thư tín dụng và bảo hiểm tăng trưởng tốc độ cao, ngoại trừ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB). Thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) của Techcombank chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 1.800 tỷ chủ yếu nhờ đóng góp của quý đầu năm. Thu nhập ròng của dịch vụ này giảm trong quý II do những lo ngại về việc siết chặt hoạt động trái phiếu và biến động mạnh của thị trường chứng khoán.

Nửa đầu năm, chi phí hoạt động của nhà băng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 6.400 tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hơn 30%. Chi phí dự phòng của Techcombank giảm mạnh 56% so với cùng kỳ năm trước, do tài chính của nhiều khách hàng phục hồi nên một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.

Quỳnh Trang

Nợ xấu của Ngân hàng NCB vọt lên 11%

Trong khi phần lớn ngân hàng đều kiểm soát nợ xấu dưới 3% thì tại NCB, tỷ lệ này nhảy vọt lên 11%, tức cứ 100 đồng thì có 11 đồng là nợ xấu.

Báo cáo hợp nhất 6 tháng của Ngân hàng Quốc dân (NCB) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng vọt từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022.

Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng được giới chuyên gia dự báo tăng mạnh từ nửa cuối năm khi các nhà băng phải ngừng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19 từ 30/6.

Tuy nhiên, nợ xấu tăng vọt tại NCB cũng là hiện tượng lạ trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính khác như VIB, TPBank, BacABank… ghi nhận nợ xấu đi ngang hoặc tăng không đáng kể. Mức nợ xấu 11% của NCB là con số cao trong bối cảnh phần lớn nhà băng đều giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.

Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là một ngưỡng quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng. Một nhà băng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác…

Tính đến hết quý II, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng Quốc dân tăng 7% so với đầu năm lên gần 44.355 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày) của NCB tăng 90% từ 600 tỷ lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (chậm trả 3 tháng đến dưới 1 năm) gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 1 năm) cũng tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, tiền gửi của khách hàng tại NCB cũng giảm 2% so với đầu năm xuống 63.200 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp tiền gửi chảy vào hệ thống Ngân hàng Quốc dân ghi nhận chiều hướng đi xuống.

Kết quả kinh doanh của NCB “ngược dòng” với bức tranh chung tích cực của ngành ngân hàng khi lợi nhuận hai năm gần đây chỉ ở mức khiêm tốn vài tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của NCB là 19 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận là hơn 125 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động chính là tín dụng giảm 30% so với cùng kỳ còn hơn 450 tỷ, được bù đắp bởi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần lên 140 tỷ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân tăng gấp 6 lần trong một năm rưỡi lên mức kỷ lục hơn 39.000 đồng một cổ phiếu vào đầu tháng 4 năm nay. Chốt phiên 21/7, mỗi cổ phiếu NVB đứng ở mức giá 29.500, giảm 25% so với mức đỉnh.

Gần đây, dàn nhân sự cấp cao của NCB có sự thay đổi khi ông Phạm Thế Hiệp và Tamaki Kido rời khỏi ban hội đồng quản trị. Hai nhân vật được bầu bổ sung thay thế là bà Hoàng Thu Trang, Trịnh Thị Thanh Mai.

Cách đây một năm, NCB tổ chức phiên họp bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương làm chủ tịch hội đồng quản trị thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng sau đó đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

Quỳnh Trang